Covid-19: Trăm mối tơ vò trong lòng nước Mỹ

10/04/2020 06:00 GMT+7

Đại dịch Covid-19 đang khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng, khi các bang phải cạnh tranh để có được vật tư y tế và buộc phải lên kịch bản cho ranh giới sinh tử .

Mỹ hiện giữ kỷ lục đáng buồn khi có hơn 430.000 trường hợp nhiễm Covid-19, cao nhất thế giới. Giới chức cấp cao nước này đã phải phát đi cảnh báo để người dân chuẩn bị cho một trong những giai đoạn tồi tệ nhất khi số tử vong còn tăng lên nhiều so với con số hơn 14.800 lúc này.

“Cuộc chiến” trang thiết bị y tế

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cuộc cạnh tranh về vật tư y tế không chỉ ở phạm vi quốc gia với quốc gia mà ngay trong lòng nước Mỹ cũng đang có một cuộc chiến đầy căng thẳng.
Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang đã phân phối vật tư từ kho dự trữ quốc gia, nhưng chúng chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump thừa nhận kho dự trữ liên bang đã gần cạn kiệt, báo hiệu rằng các bang có lẽ phải "tự thân vận động" khi số người chết tăng cao mỗi ngày.
Theo truyền thông Mỹ, các thống đốc bang đang phải tìm đủ cách để mang về cho bang mình các trang thiết bị y tế quan trọng như khẩu trang, máy thở, găng tay.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ví tình hình hiện nay như “đang ở trên eBay cùng 50 bang khác”.
Trong cuộc săn lùng vật tư y tế ấy, các thống đốc bang phải đối diện với những người trung gian mờ ám, những lô hàng ảo và giá cả tăng vọt theo giờ. Giá máy thở tăng gấp đôi còn khẩu trang tăng gấp 10 lần so với bình thường.
Để có được mặt hàng thiết yếu, các thống đốc phải tìm đến những người bạn giàu có của mình hay doanh nghiệp để đặt vấn đề. Thống đốc bang Massachusetts Charlie Baker đã nhờ tỉ phú Robert Kraft điều máy bay của đội bóng bầu dục Patriots đến Trung Quốc để lấy hơn một triệu khẩu trang. Một số bang thì liên hệ với các nhà sản xuất tư nhân để chuyển tòa nhà của họ thành nơi sản xuất trang thiết bị y tế và nhiều người bất đắc dĩ trở thành thợ may khẩu trang.
Tình trạng còn tệ hơn khi các bang thậm chí phải cạnh tranh với hệ thống bệnh viện trong chính bang mình, vì họ muốn nhanh chóng có hàng thay vì chờ đợi từ chính quyền. Tiến sĩ Daniel Durand làm việc tại một hệ thống bệnh viện ở Maryland kể phải đi tìm mua đồ bảo hộ trong một thị trường hỗn loạn. Khẩu trang N95 thường chỉ có giá chưa đến 1 USD giờ được bán với giá từ 3,7 USD, thậm chí có người sẵn sàng trả tới 10 USD một chiếc. Và nếu không nhanh tay, những người trung gian dọa sẽ bán cho bệnh viện khác.

Kịch bản phải lựa chọn

Giữa lúc thiếu vật tư mà tình trạng thì ngày càng nghiêm trọng, một cuộc tranh luận khác lại dấy lên trong lòng nước Mỹ: ai được ưu tiên dùng máy thở. Thật khó khăn khi phải lựa chọn cứu ai, nhưng điều đó được chính bác sĩ và giới chức tại các “tâm dịch” ở Mỹ cảnh báo sẽ sớm xảy ra trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19.
Theo tờ The Washington Post, giới chức y tế, lực lượng bác sĩ và các nhà khoa học Mỹ đã tham gia nhiều cuộc thảo luận kín về kế hoạch hành động với kịch bản thiếu máy thở và họ vẫn chưa thể thống nhất với nhau giữa lúc số bệnh nhân cần máy thở đang tăng lên từng ngày. Theo ước tính của Trung tâm an ninh y tế thuộc Đại học Johns Hopkins, sẽ có tới 2,9 triệu người Mỹ cần đến máy thở và vật tư hiện tại sẽ không đủ đáp ứng.
Giới chức bang Pennsylvania mới đây thông qua hướng dẫn với nội dung cho phép đội ngũ y, bác sĩ và những người trên tuyến đầu chống dịch được ưu tiên tiếp cận máy thở trong trường hợp nguy nan khi họ mắc bệnh. Tuy nhiên, điều đó không được ủng hộ ở một số bang khác, trong đó có Maryland.

[VIDEO] Mỹ chuyển vật liệu đến Việt Nam, dự kiến nhận thêm 2,2 triệu bộ trang phục bảo hộ DuPont

Nỗi lo cận kề khiến nhiều bệnh viện phải phân loại bệnh nhân để chọn người được chăm sóc đặc biệt. Phụ nữ mang thai được ưu tiên hơn và điều này không gây tranh cãi. Tuy nhiên, việc có nên ưu tiên với các chính trị gia cấp cao, cảnh sát, người già, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối hay người khuyết tật là những vấn đề đang được bàn luận.
Ngoài ra, một số trung tâm y tế ở Mỹ tính đến việc tiên lượng sống của bệnh nhân dài hay ngắn để quyết định ưu tiên. Giới chức các bang đều cố gắng đảm bảo mục đích của việc này không phải là phân biệt đối xử, mà đó là tình thế buộc phải lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn có những chỉ trích đối với hướng dẫn được đưa ra trong trường hợp này, nhấn mạnh việc phân bổ nguồn lực phải không bỏ quên những người yếu thế trong xã hội.
Tổng thống Trump cảm ơn “những người bạn ở Việt Nam”
Viết trên Twitter sáng 9.4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay chuyến bay chở 450.000 bộ trang phục bảo hộ giúp phòng chống Covid-19 vừa hạ cánh tại Dallas (bang Texas) sau khi được đưa đến từ Việt Nam. “Điều này có được là nhờ sự hợp tác của 2 công ty tuyệt vời của Mỹ - DuPont và FedEx - và những người bạn ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn!”, ông viết.
Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết đã cùng Chính phủ Việt Nam làm việc cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao nhận và phê duyệt cần thiết để đẩy nhanh việc chuyển giao trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Mỹ.
Bộ Y tế và Dịch vụ dân sinh Mỹ (HHS) đã ký hợp đồng với FedEx để nhanh chóng chuyển giao các bộ đồ cho Kho dự trữ chiến lược quốc gia Mỹ nhằm giải quyết nhu cầu khẩn cấp đối với trang thiết bị bảo hộ cho các nhân viên tuyến đầu ứng phó với đại dịch Covid-19 tại Mỹ.
Thông cáo của HHS cho biết cơ quan này dự kiến sẽ nhận được 2,25 triệu bộ trang phục bảo hộ của DuPont trong vòng 5 tuần tới, cùng với khả năng tiếp tục mua thêm để có tổng cộng 4,5 triệu bộ. 
Khánh An
Nỗi lo với người da màu
Chỉ trong vòng 3 tuần qua, hơn 16 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ, khi họ mất việc ở nhiều ngành nghề do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng con số kỷ lục này không chỉ là vấn đề mất việc, nó còn đồng nghĩa với việc họ mất bảo hiểm y tế vốn có khi họ còn đi làm. Điều này khiến hàng triệu người rơi vào cảnh “dễ bị tổn thương” nếu cần xét nghiệm hay điều trị Covid-19.
Theo CNN, tình trạng ấy vô hình trung lại phản ánh mặt tối của xã hội, khi sự bất bình đẳng bị phơi bày. Một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ mới đây đã gửi thư cho Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Alex Azar yêu cầu phải giải quyết nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ mạng sống cho cộng đồng người da màu có thu nhập thấp.
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cho rằng nhiều thập niên phân biệt đối xử đã khiến những người da đen và da màu không được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cũng như an ninh tài chính. “Khủng hoảng vi rút Corona lần này khiến sự chênh lệch này càng rõ ràng hơn”, bà nói.
Theo CNN dẫn các số liệu thống kê, tính trên số dân thì người Mỹ da màu đang chiếm tỷ lệ nhiễm và tử vong cao so với các cộng đồng khác ở nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.