Theo quy định trong đó, văn kiện này sẽ có hiệu lực pháp lý khi có được 50 thành viên LHQ phê chuẩn. Quá trình phê chuẩn này chắc còn kéo dài. Dù vậy, việc hiệp ước được thông qua và ký kết đều là những dấu mốc có ý nghĩa rất to lớn.
Nó là bằng chứng về ý thức ngày càng cao hơn của cộng đồng quốc tế về sự cần thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân và cấm hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới. Nó là kết quả của cách tiếp cận mới về giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh tình hình các nước có vũ khí hạt nhân không sẵn sàng giải trừ vũ khí hạt nhân của họ, khi chạy đua vũ trang hạt nhân vẫn diễn ra ở một số khu vực, khi vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên đặc biệt nổi cộm trên chính trường thế giới và khi Mỹ đang tính chuyện lật ngược giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran, việc ký kết để rồi đưa hiệp ước này đi vào có hiệu lực có tầm quan trọng đặc biệt.
Cái đích cuối cùng của hiệp ước là thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Cuộc hành trình đến cái đích ấy là cuộc đấu tranh rất bền bỉ, đầy gian nan và trắc trở của đa số các thành viên LHQ. Hiện tại chỉ có 9 trong tổng số 193 thành viên LHQ có hoặc được coi là có vũ khí hạt nhân. Thiểu số rất nhỏ này bám giữ bằng mọi giá vào tiềm lực hạt nhân của họ. Việc kiên định thực hiện hiệp ước vì thế là cuộc đấu tranh còn rất lâu dài, nhưng là sự lựa chọn đúng đắn và chưa phải là đã quá muộn đối với LHQ.
Bình luận (0)