Đảo chính lật đổ nhà lãnh đạo 30 năm ở Sudan

12/04/2019 08:24 GMT+7

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir hôm qua kết thúc 30 năm cầm quyền sau khi bị quân đội lật đổ và bắt giam.

Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia ngày 11.4, Bộ trưởng Quốc phòng Sudan Awad Ibnouf thông báo: “Với tư cách là bộ trưởng quốc phòng, tôi tuyên bố chế độ đã bị lật đổ và người đứng đầu đang bị giam ở một nơi an toàn”. Ngay sau đó, một hội đồng quân sự được thành lập thay thế Tổng thống Omar al-Bashir điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hai năm. AFP dẫn lời ông Ibnouf cho biết tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 3 tháng đã được ban bố, toàn bộ biên giới và không phận Sudan được lệnh đóng cửa cho đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, Hội đồng quân sự mới thành lập cũng tuyên bố lệnh giới nghiêm và ngừng bắn trên khắp Sudan, bao gồm Darfur, một khu vực xung đột ở phía tây nước này.
Trước đó, truyền thông đưa tin Tổng thống Bashir bị quân đội buộc từ chức và đang bị canh giữ nghiêm ngặt. Cùng lúc đó, binh sĩ đã được triển khai xung quanh trụ sở Bộ Quốc phòng và trên các tuyến đường quan trọng ở thủ đô Khartoum. Các nguồn tin cho hay binh sĩ đã bố ráp trụ sở của Phong trào Hồi giáo do ông Bashir lãnh đạo. Một số chính trị gia nước này được cho là đã bị bắt giữ. Trong khi đó, Cơ quan An ninh và Tình báo quốc gia (NISS) đã thông báo việc phóng thích tất cả các tù nhân chính trị trên toàn quốc.
Ngay sau khi thông tin đảo chính được đưa ra, hàng ngàn người đổ xô đến biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Quốc phòng, trong khi hàng chục ngàn người xuống đường ở trung tâm Khartoum hô hào các khẩu hiệu chống ông Bashir. Tuy nhiên, lãnh đạo nhóm biểu tình ở Sudan phản đối thông báo về giai đoạn chuyển tiếp của quân đội, yêu cầu thành lập chính phủ dân sự và không chấp nhận chính quyền quân sự. Nhóm này đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình.
Ông Bashir lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính vào năm 1989 và là một trong những vị tổng thống tại vị lâu nhất ở châu Phi. Ông đối diện thách thức lớn nhất trong 3 thập niên cầm quyền kể từ khi cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát vào ngày 19.12.2018. Cuộc biểu tình xuất phát từ ý định của chính phủ tăng giá bánh mì và một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo theo tình trạng thiếu tiền mặt và nhiên liệu. Trước tình trạng đó, các nhân vật đối lập kêu gọi quân đội hỗ trợ đàm phán để kết thúc 30 năm cầm quyền của ông Bashir và chuyển sang nền dân chủ. Căng thẳng leo thang kể từ ngày 6.4, khi hàng ngàn người bắt đầu cắm trại bên ngoài trụ sở của Bộ Quốc phòng, cũng là nơi đặt văn phòng của Tổng thống Bashir. Đến ngày 9.4, đụng độ xảy ra giữa nhóm binh sĩ bảo vệ người biểu tình và các thành viên thuộc NISS, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng.
Ông Bashir cũng đang bị Tòa án hình sự quốc tế truy tố về tội ác chiến tranh và tội diệt chủng do bị tình nghi có vai trò trong cuộc nổi loạn bắt đầu ở vùng Darfur vào năm 2003 và dẫn đến cái chết của khoảng 300.000 người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.