Để Covid-19 lây lan cho có miễn dịch cộng đồng là ‘vô đạo đức’

13/10/2020 11:08 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân tích rõ khái niệm miễn dịch cộng đồng, bác bỏ một số ý kiến về việc để virus gây Covid-19 “tự do lây lan để đại dịch chấm dứt tự nhiên”.

Hãng Reuters ngày 13.10 dẫn lời Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo không nên để virus gây Covid-19 lây lan vì mục đích đạt miễn dịch cộng đồng.
“Để một virus nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu hết có thể lây lan tự do thì đúng là vô đạo đức. Đó không phải là một lựa chọn”, ông nhấn mạnh, sau khi có một số lời kêu gọi để Covid-19 lây lan để có đủ tỷ lệ người miễn dịch cộng đồng nhằm kết thúc đại dịch một cách tự nhiên.
“Miễn dịch cộng đồng là khái niệm dùng cho tiêm chủng, khi một bộ phận dân số được bảo vệ khỏi virus nào đó khi đạt ngưỡng tiêm phòng”, ông giải thích trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Miễn dịch không phải nhờ virus lây lan

Tổng giám đốc WHO nêu ví dụ về bệnh sởi, ước tính 95% dân số thế giới đã tiêm chủng nên 5% còn lại cũng được bảo vệ trước nguy cơ lây lan của virus, còn tỷ lệ tiêm chủng bại liệt là khoảng 80%.
“Miễn dịch cộng đồng đạt được bằng cách bảo vệ con người khỏi virus, không phải là để con người phơi nhiễm với nó. Chưa bao giờ trong lịch sử mà y tế công từng nghe về việc miễn dịch cộng đồng được xem là chiến lược đối phó với dịch bệnh, chưa nói đến đại dịch”, ông nhấn mạnh.

[VIDEO] Mỹ "không hy sinh tính mạng người dân đổi lấy miễn dịch cộng đồng"

Ông Tedros chỉ ra rằng hiện giới khoa học vẫn thiếu thông tin về việc phát triển miễn dịch đối với Covid-19, bao gồm phản ứng miễn nhiễm mạnh hay yếu, cũng như kháng thể sẽ tồn tại bao lâu trong cơ thể.
Bên cạnh đó, nhiều người đã tái nhiễm Covid-19, trong khi việc mang bệnh sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe về lâu dài mà giới nghiên cứu chỉ mới bắt đầu tìm hiểu. Chưa hết, ước tính hiện chưa đến 10% dân số tại nhiều nước từng mắc Covid-19, nên phần lớn mọi người vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Theo chuyên gia Maria Van Kerkhove của WHO, ước tính 0,6% bệnh nhân Covid-19 đã tử vong, tỷ lệ nghe có vẻ không nhiều nhưng thực tế lại nhiều hơn hẳn so với cúm mùa.

Kêu gọi hỗ trợ kinh tế

Trong diễn biến liên quan, giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động nhiều hơn nữa để đối phó với suy thoái kinh tế trong đại dịch Covid-19.

Châu Âu cố gắng kiềm chế đà gia tăng số ca nhiễm Covid- 19

Tại một hội nghị trực tuyến ở châu Phi, bà kêu gọi Ngân hàng Thế giới (World Bank) tăng tốc cho vay tại các nước bị ảnh hưởng nặng, nhất là tại châu Phi.
Trong khi đó, Chủ tịch World Bank David Malpass cho hay các nước G20 có thể gia hạn việc hoãn nợ thêm 6 tháng cho các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch.
Theo World Bank, tổng nợ của 73 nước nghèo nhất tăng 9,5% trong năm ngoái lên mức kỷ lục là 744 tỉ USD, cho thấy nhu cầu cấp bách cần giải quyết liên quan nguy cơ khủng hoảng nợ trong đại dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.