Di sản thăng trầm của Mugabe

17/11/2017 13:30 GMT+7

Tương lai của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe trở nên bất định sau khi ông bị quân đội quản thúc ở thủ đô Harare.

Trước khi nổ ra cuộc binh biến ngày 15.11, Robert Mugabe là nhà lãnh đạo cao tuổi nhất còn tại vị của thế giới. Ở tuổi 93, nhiều dấu hiệu cho thấy vị tổng thống này sẽ phải từ bỏ quyền lực đã nắm giữ trong gần 40 năm qua.
Từ người hùng…
Khó lường
Hiện vợ chồng Tổng thống Robert Mugabe vẫn đang bị giam lỏng tại nhà. Trước đó, quân đội tuyên bố “không tiếm quyền” và sẽ rút lui sau khi “khôi phục trật tự”. Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin giấu tên ngày 16.11 cho biết ông Mugabe vẫn đang cương quyết không từ chức và khăng khăng mình sẽ cầm quyền đến hết nhiệm kỳ, tức sau cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 7.2018. Tình hình càng thêm khó lường khi 2 đối thủ của ông, và cũng là đối thủ của nhau, gồm cựu Thủ tướng Morgan Tsvangirai và cựu Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa đều được cho là nhắm tới ghế tổng thống.
Mugabe chào đời năm 1924 khi Zimbabwe còn là thuộc địa của Anh với tên Nam Rhodesia. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường tại Đại học Fort Hare ở Nam Phi, ông đã bộc lộ tư tưởng dân tộc và quyết tâm đấu tranh vì độc lập của đất nước. Năm 1963, ông thành lập đảng Liên minh quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) theo đường lối đấu tranh vũ trang nhưng bị bắt vào cùng năm rồi phải ngồi tù 11 năm (1964 - 1975). Trong giai đoạn này, chính quyền da trắng tại Nam Rhodesia đơn phương tuyên bố ly khai khỏi Anh để thành lập Cộng hòa Rhodesia. Ra tù, Mugabe lưu vong sang Mozambique để xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng. Sau khi đủ lực lượng, ông về nước tiến hành cuộc chiến tranh du kích kéo dài với mục tiêu lớn nhất là độc lập dân tộc và đánh đổ tầng lớp da trắng thiểu số cầm quyền, theo tạp chí Newsweek.
Cuộc chiến kết thúc với một thỏa thuận hòa bình do người Anh làm trung gian, mang lại nền tự chủ thật sự cho Zimbabwe. Sau kỳ bầu cử đầu tiên, Mugabe giữ chức thủ tướng nhưng ông mới chính là lãnh đạo thực quyền, còn ghế của Tổng thống Canaan Banana chỉ mang tính lễ nghi. Đến năm 1987, ông Mugabe kế nhiệm tổng thống và cầm quyền suốt đến nay.
Điều mà các sử gia đều nhất trí là Robert Mugabe nằm trong số những anh hùng giải phóng nổi bật nhất của châu Phi. Với những thông điệp như “Giai đoạn chúng ta đang bước vào, giai đoạn độc lập, sẽ trao cho tất cả chúng ta - người dân Zimbabwe bất kể màu da đen hoặc trắng - chủ quyền và quyền dân chủ tuyệt đối”, Mugabe được quốc dân và dư luận thế giới kỳ vọng sẽ xây dựng nên một đất nước của hòa giải và thịnh vượng.
Di sản thăng trầm của Mugabe
Tờ bạc 100.000 tỉ đô la Zimbabwe Ảnh Chụp màn hình WSJ

… đến Tổng thống nhắm mắt
Trong những năm đầu cầm quyền, Tổng thống Mugabe bổ nhiệm các bộ trưởng da trắng vào chính phủ, đẩy mạnh đầu tư cho y tế và giáo dục với tỷ lệ biết chữ ở Zimbabwe đạt ít nhất 83,6%, một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Phi, theo Newsweek. Thế rồi, nhà lãnh đạo bắt đầu trấn áp mạnh tay những người chống đối, cũng như thi hành nhiều chính sách gây tranh cãi về đất đai. Đứng trước làn sóng phản đối, ông tận dụng chủ nghĩa dân tộc và con bài màu da để củng cố vị thế trong khi lại không có được chính sách kinh tế hiệu quả. Zimbabwe dần rơi vào khủng hoảng, lương thực thiếu hụt, kinh tế suy giảm trầm trọng và trượt dài vào siêu lạm phát. Trong giai đoạn tăm tối nhất 2008 - 2009, tỷ lệ lạm phát có lúc lên tới mức “không tưởng” 231 triệu % và chính quyền phải in tờ bạc 100 tỉ, thậm chí là 100.000 tỉ đô la Zimbabwe. Cả thế giới không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến cảnh người dân dùng xe tải chở tiền ra chợ để xếp hàng mua trứng và bánh mì. Đến năm 2015, sau khi chính phủ ban bố chuyển hẳn sang dùng đồng USD thì tình hình mới phần nào cải thiện.
Trong khi đó, Tổng thống Mugabe ngày càng hứng chịu chỉ trích dữ dội khi ông bị cho là chỉ tập trung đối phó phe đối lập để giữ vững chiếc ghế quyền lực dù tuổi tác ngày càng cao. Theo tờ The Telegraph, vài năm gần đây liên tục xuất hiện hình ảnh nhà lãnh đạo ngồi gục đầu, nhắm mắt trong các cuộc họp và phe chống đối khẳng định ông ngủ gật. Đáp lại, chính phủ tuyên bố ông chỉ đang “để mắt nghỉ ngơi trong lúc suy nghĩ”. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi Tổng thống Mugabe hồi đầu tháng bất ngờ cách chức phó tổng thống của đồng minh lâu năm Emmerson Mnangagwa và ông này sau đó đào tẩu sang Nam Phi. Giới chuyên gia nước ngoài và phe đối lập cho rằng Tổng thống Mugabe gạt bỏ đồng minh nhằm mở đường cho vợ mình là Grace Mugabe kế nhiệm sau này. Diễn biến này được cho là giọt nước tràn ly và khiến quân đội quyết định ra tay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.