Tại công ty sản xuất linh kiện điện tử HZE, dây chuyền sản xuất trông bình thường như những nơi khác. Tuy nhiên, công nhân tại đây lại đội mũ có thiết bị theo dõi sóng não. Ban giám đốc dùng dữ liệu thu thập được để điều chỉnh nhịp độ sản xuất và tái thiết kế quy trình cùng khối lượng công việc, theo tờ South China Morning.
Theo HZE, nhờ áp dụng công nghệ đọc sóng não, công ty có thể điều chỉnh cường độ làm việc và thời gian nghỉ ngơi phù hợp nhằm đề phòng người lao động bị căng thẳng quá mức.
HZE chỉ là một ví dụ điển hình về sử dụng thiết bị đọc sóng não nhằm theo dõi cảm xúc và những hoạt động tâm thần khác của người lao động ở Trung Quốc, theo các nhà khoa học và công ty tham gia dự án do chính phủ tài trợ.
Được giấu trong mũ bảo hộ hay nón đồng phục, những thiết bị cảm biến siêu nhẹ có thể theo dõi bước sóng não và truyền dữ liệu đến hệ thống máy tính dùng thuật toán trí tuệ nhân tạo để xác định những trường hợp bị trầm cảm hoặc giận dữ.
Công nghệ này được sử dụng khắp nơi trên thế giới, nhưng Trung Quốc ứng dụng trên quy mô lớn tại các nhà máy, phương tiện giao thông công cộng, doanh nghiệp nhà nước và cả quân đội nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong sản xuất và duy trì ổn định xã hội.
Một số hãng hàng không ở Trung Quốc cũng ứng dụng công nghệ này để giám sát phi hành đoàn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo công ty hoặc chính phủ có thể lạm dụng công nghệ, xâm phạm quyền riêng tư và chèn ép người lao động hơn là giúp họ tăng năng suất.
Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện vẫn chưa có quy định hay điều luật nào để quản lý việc dùng công nghệ đọc sóng não.
Bình luận (0)