Dự án đập thủy điện của Trung Quốc ở Indonesia bị phản đối

21/10/2018 16:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, dự án cắt ngang khu rừng Batang Toru và là “hồi chuông báo tử” cho loài đười ươi Tapanuli.

AFP ngày 21.10 đưa tin dự án đập thủy điện quy mô của Trung Quốc đầu tư tại đảo Sumatra của Indonesia đang vấp phải phản đối do lo ngại các tác động về môi trường và khiến loài đười ươi Tapanuli tuyệt chủng.
Dự kiến hoàn thành vào năm 2022, dự án trị giá 1,6 tỉ USD (37.300 tỉ đồng) sẽ cắt ngang khu vực trung tâm của rừng Batang Toru, nơi cư trú của loài đười ươi Tapanuli vừa được phát hiện với khoảng 800 cá thể, cùng nhiều loài linh trưởng quý hiếm và cọp Sumatra.
Dự án được thiết kế và thi công bởi tập đoàn nhà nước Sinosure của Trung Quốc. Đây là tập đoàn đã xây đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang với công suất 22.500 MW - dự án thủy điện lớn nhất thế giới.
Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đang phản đối dữ dội do lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã rút khỏi dự án nhưng phía Trung Quốc vẫn khăng khăng tiến hành.
Theo nhà khoa học người Hà Lan Erik Meijaard, dự án 510 MW sẽ là “hồi chuông báo tử” cho loài đười ươi Tapanuli vì một khu vực rộng lớn sẽ bị ngập cũng như bị chia cắt bởi hệ thống đường sá và dây điện cao thế. “Đường sá sẽ tạo điều kiện cho người dân đến cư trú, chưa kể các thợ săn”, ông nói.
Khu vực dự kiến xây đập thủy điện trong rừng Batang Toru AFP
Trước đó, tổ chức Diễn đàn Môi trường Indonesia (Walhi) hồi tháng 8 đã khởi kiện chính quyền Bắc Sumatra vì cấp phép về môi trường cho dự án. Theo Walhi, dự án chưa đánh giá về tác động đối với động thực vật hoang dã, các khu vực dân cư ở hạ nguồn và nguy cơ gây động đất.
Chuyên gia Yuyun Eknas của Walhi hy vọng bên cấp vốn sẽ theo chân World Bank rút khỏi dự án sau khi nhận ra các tác động về môi trường và xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.