EU cảnh báo tình trạng bán quốc tịch cho người giàu, quan chức nước ngoài

08/08/2018 15:08 GMT+7

Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh chương trình Visa Vàng cho nhà đầu tư nước ngoài hướng đến cấp quốc tịch là “mối đe dọa an ninh”.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt (Đức) ngày 8.8, bà Vera Jourova - Ủy viên phụ trách về tư pháp, người tiêu dùng và bình đẳng giới của EC - cho biết ủy ban này “cực kỳ quan ngại” trước tình trạng nhiều quốc gia thành viên EU cấp quốc tịch cho công dân nước ngoài sau một thời gian (thường khoảng 5 năm) kể từ khi họ đầu tư số tiền lớn hoặc mua bất động sản thông qua chương trình Visa Vàng.
“Tình trạng bán quốc tịch tràn lan là mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Những đối tượng tội phạm sẽ lợi dụng chương trình Visa Vàng để trở thành công quốc gia thành viên và từ đó có thể tự do đi lại khắp châu Âu. EU không thể trở thành thiên đường cho tội phạm, tham nhũng và tiền bẩn”, bà Jourova cảnh báo.
Bà Jourova nhấn mạnh các thành viên EU phải nhanh chóng áp dụng luật mới của liên minh về chống rửa tiền và đảm bảo không cấp quốc tịch cho các đối tượng mờ ám.
Trong một báo cáo mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) chỉ ra rằng các nước thành viên EU - bao gồm Bulgaria, Cộng hòa Síp, Malta và Hy Lạp - đã cấp quốc tịch những người giàu có từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi cũng như một số quốc gia Đông Nam Á thông qua chương trình Visa Vàng.
TI cáo buộc một số nước EU tiến hành chương trình visa “bí mật”, nằm ngoài quy định quản lý của EU hoặc không công bố số liệu đầy đủ.
Đại diện của TI, Eka Rostomashvili cảnh báo Visa Vàng đe dọa toàn bộ châu Âu, kể cả những quốc gia thành viên không áp dụng chương trình trình này, góp phần giúp tội phạm rửa tiền, quan chức tham nhũng tẩu tán tài sản  và gây bất ổn thị trường bất động sản.
Theo tờ The Guardian, chính phủ Malta từng bị EU và các nghị sĩ đảng đối lập trong nước chỉ trích vì ồ ạt cấp quốc tịch cho công dân nước ngoài. Quy định của nước này cho phép người nước ngoài đầu tư chỉ cần tối thiểu khoảng 1,2 triệu euro - trong đó có 650.000 euro quyên góp cho quỹ phát triển chính phủ - được nhập tịch sau 12 tháng kể từ ngày cư trú đầu tiên.
Tờ Financial Times dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Warsaw (Ba Lan) cho thấy trong tháng 1.2018, có 730 doanh nhân và chính trị gia Nga cùng người thân được cấp quốc tịch Malta. Nhiều người trong số này đang gặp rắc rối ở quê nhà, chẳng hạn như cựu Thống đốc vùng Amur, ông Leonid Korotkov đang bị điều tra tham nhũng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.