Theo giải thích công khai của EU thì bộ luật này nhằm ngăn chặn các “gã khổng lồ” thâu tóm hay triệt hạ đối thủ cạnh tranh hoặc mở rộng phạm vi hoạt động đến mức độc quyền, thao túng thị trường, cạnh tranh không công bằng, trốn thuế và lậu thuế.
Trên phương diện này, EU được khích lệ bằng những luật lệ, chính sách mà nhiều nơi khác ban hành, áp dụng cũng như những vụ kiện mà nhiều nơi theo đuổi nhằm vào những tập đoàn nói trên. Vấn đề này đã được đặt ra từ khá lâu nhưng EU chưa hành động quyết liệt.
Với dự định mới nói trên, EU cho thấy đã nhận thức không còn chần chừ thêm được nữa để siết hoạt động của các tập đoàn kia trên thị trường chung EU. Càng chậm thì việc chế tài các hãng này càng thêm khó thành công đối với EU.
Thực chất, EU dùng quyền để thông qua luật nhằm “hạ thế” các tập đoàn nước ngoài trên thị trường chung của EU.
Ở Mỹ, chính quyền liên bang và các bang kiện hay ban hành luật nhằm đưa các tập đoàn này vào hành lang pháp lý mới thì không sao, nhưng nếu ai đó mở cuộc tấn công, cũng thông qua pháp lý, vào những tập đoàn này trên thị trường chung ở châu Âu thì sẽ khúc mắc ngay lập tức với chính quyền Mỹ.
EU hóa giải điều khó xử này với Mỹ bằng việc dùng đúng cách tiếp cận mà chính quyền Mỹ đang áp dụng đối với các hãng kia. Luật này thực ra còn giúp EU kiểm soát và giám sát hoạt động trên mạng internet.
Bình luận (0)