G7 trong chủ điểm vắc xin Covid-19

12/06/2021 06:30 GMT+7

Vấn đề viện trợ vắc xin Covid-19 đang được quan tâm khi G7 họp trực tiếp lần đầu sau 2 năm.

Reuters hôm qua dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết dự kiến các nước G7 sẽ viện trợ 1 tỉ liều vắc xin Covid-19 cho các nước nghèo hơn, và giúp thế giới chủng ngừa trước thời điểm cuối năm 2022. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh G7 họp trực tiếp lần đầu tiên kể từ năm 2019.

Tâm điểm đại dịch

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết viện trợ 500 triệu liều vắc xin của Pfizer, Thủ tướng Johnson cho biết Anh cũng sẽ viện trợ ít nhất 100 triệu liều cho các nước thuộc nhóm nghèo nhất, trong đó có 80 triệu liều cho sáng kiến chia sẻ vắc xin COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Tổng thống Biden: Mỹ sẽ là "kho vắc xin" của thế giới, không đòi điều kiện

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall (Anh) từ ngày 11 - 13.6, Thủ tướng Johnson kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên cam kết chủng ngừa Covid-19 cho toàn thế giới.
G7 gồm các nền kinh tế hàng đầu là Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 47 năm nay còn có sự tham gia của khách mời là lãnh đạo các nước Ấn Độ (họp trực tuyến), Hàn Quốc, Nam Phi và Úc.
Hiện Anh đã tiêm chủng liều thứ nhất cho 77% và Mỹ đã tiêm chủng cho 64% người trưởng thành, trong khi giới khoa học nhấn mạnh rằng đại dịch chỉ kết thúc khi tất cả các nước đã tiêm chủng. Giới chuyên môn cho rằng cam kết của G7 sẽ là khởi đầu quan trọng, nhưng các nhà lãnh đạo cần hành động nhiều và nhanh hơn. “Nếu điều tốt nhất mà các lãnh đạo G7 có thể làm là quyên góp 1 tỉ liều vắc xin thì hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một thất bại”, quản lý chính sách Anna Marriott của Tổ chức Oxfam nhận định và cho biết thế giới cần 11 tỉ liều để chấm dứt đại dịch.

Các thách thức toàn cầu

Bên cạnh đại dịch Covid-19, các nước G7 nhóm họp giữa áp lực gia tăng về nhiều vấn đề từ việc phục hồi kinh tế sau đại dịch cho đến vấn đề địa chính trị và biến đổi khí hậu.
Theo tờ Evening Standard, tối 11.6 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo tham quan dự án Eden ở Cornwall, khu phức hợp gồm nhiều mái vòm tạo môi trường cho nhiều thực vật từ các vùng khí hậu khác nhau. Trong ngày thứ 2, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về y tế, phục hồi kinh tế và chính sách đối ngoại, với sự tham dự của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các khách mời khác. Vào ngày cuối, hội nghị sẽ thảo luận về khí hậu và thiên nhiên, và các xã hội mở, trước khi dự kiến đưa ra tuyên bố chung.

Thái Lan tiêm ngừa Covid-19 hàng loạt bằng vắc xin do công ty thuộc hoàng gia sản xuất

Một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết G7 sẽ có cơ chế tiêu chuẩn cao, minh bạch, thân thiện môi trường, không tham nhũng nhằm đầu tư vào hạ tầng tại các nước thu nhập thấp và trung bình, “thay thế điều mà các nước khác như Trung Quốc đang đưa ra”. Bên cạnh đó, quan chức này cho biết G7 sẽ thảo luận về các điểm nóng và các khu vực thách thức lớn trên thế giới, bên cạnh vấn đề công nghệ và an ninh mạng.
Theo Reuters, Úc đã kêu gọi G7 ủng hộ cải cách của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm đối phó với hành vi “cưỡng ép kinh tế” ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong khi đó, văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không đề cập Trung Quốc nhưng cho hay ông sẽ tham gia thảo luận tại Hội nghị G7 về “nhu cầu củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu và tự do thương mại”.
Venezuela bị chặn giao dịch thanh toán cho COVAX
Reuters dẫn lời Phó tổng thống Delcy Rodriguez của Venezuela ngày 10.6 cho biết nước này không thể hoàn thành thanh toán 10 triệu USD cho chương trình vắc xin COVAX vì giao dịch bị chặn. Bà Rodriguez cũng cáo buộc Mỹ đứng sau việc này.
Ngoại trưởng Jorge Arreaza của Venezuela sau đó công bố bức thư COVAX nói họ được Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) thông báo 4 giao dịch với tổng trị giá 4,6 triệu USD “đã bị chặn”. Vẫn chưa rõ ai đã chặn các giao dịch này và động cơ của việc đó.
Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã đàm phán với lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido về việc thanh toán cho vắc xin của COVAX bằng các khoản tiền bị đóng băng ở Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Venezuela vào tháng 3 tuyên bố họ tự chi 120 triệu USD cho vắc xin và lùi các cuộc đàm phán về việc những khoản tiền bị đóng băng do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đông A
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.