Gặp chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Duterte sẽ nêu phán quyết về Biển Đông

22/08/2019 08:30 GMT+7

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa tuyên bố ông vẫn sẽ nêu phán quyết về Biển Đông trong chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nổi giận.

“Điều đầu tiên tôi sẽ nêu lên trước [Chủ tịch Tập Cận Bình] là có phán quyết của tòa trọng tài’, ông Duterte cho hay hôm 21.8 và nhấn mạnh không ai có thể bắt ông phải nói gì, theo tờ Philippine Daily Inquirer.
Tổng thống Duterte nói rằng ông Tập từng yêu cầu ông không nêu phán quyết ngày 12.7.2016 của tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Ông Duterte nhấn mạnh Philippines sẽ “không tiến hành chiến tranh” chống Trung Quốc nhưng khẳng định phán quyết sẽ được thảo luận trong chuyến công du Trung Quốc sắp tới, diễn ra từ ngày 28.8 đến 2.9.
Kể từ khi nhậm chức cuối tháng 6.2016, nhà lãnh đạo Philippines chủ trương tạm gác phán quyết để cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Hiện tại, ông tuyên bố đã đến lúc thảo luận về phán quyết với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì nhiệm kỳ 6 năm của ông sẽ sớm kết thúc. “Chúng ta không được phép chấp nhận Trung Quốc sở hữu biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông - NV) vì phán quyết của tòa trọng tài đã nêu rõ”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh, theo tờ The Philippine Star.

[VIDEO] Tàu sân bay Mỹ diễn tập ở biển Đông

Tuy nhiên, bên cạnh những phát biểu thể hiện sự cương quyết với Trung Quốc về Biển Đông, Tổng thống Duterte cũng khiến dư luận xôn xao khi cho hay ông sẽ thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung gây tranh cãi. Theo Philippines Daily Inquirer, ông Duterte ủng hộ việc Trung Quốc đề xuất tỷ lệ ăn chia 60-40, trong đó Philippines sẽ hưởng phần lớn và gọi đó “khởi đầu tốt”.
Trong khi đó, hàng loạt chuyên gia Philippines và quốc tế liên tục cảnh báo về những hệ lụy khó lường cho nước này lẫn cả khu vực xuất phát từ kế hoạch thăm dò, khai thác chung ở Biển Đông. Theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez, không có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không gian lận trong hợp tác hay mượn cớ “bảo vệ dự án chung” để cử lực lượng áp sát Philippines. “Đây sẽ là ác mộng an ninh quốc gia với cái giá phải trả đắt hơn nhiều so với doanh thu từ khai thác chung”, ông cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.