Giả thuyết về nguồn gốc của sự sống trên trái đất

30/01/2019 06:00 GMT+7

Những thành phần tạo nên điều kiện cho sự sống sinh sôi trên bề mặt địa cầu có lẽ không thuộc về trái đất .

Thay vào đó, các nguyên tố thiết yếu này có lẽ đã được mang theo trên hành tinh có kích cỡ sao Hỏa từng va chạm với trái đất cách đây 4,5 tỉ năm. Hành tinh giả định được gọi là Theia, và một số chuyên gia trước đây cũng cho rằng nó chính là thủ phạm đâm vỡ một mảnh của địa cầu để trở thành mặt trăng như ngày nay. Theo giả thuyết mới do Đại học Rice (bang Texas, Mỹ) đề xuất, Theia mang theo các nguyên tố dễ bay hơi như carbon, nitrogen, hydrogen và lưu huỳnh. Khi đâm vào trái đất, nó chuyển các nguyên tố này cho hành tinh của chúng ta, cho phép địa cầu có cơ hội dung dưỡng sự sống.
Dựa trên những gì chúng ta biết được, trái đất ít khả năng có thể sản sinh ra các nguyên tố dễ bay hơi trên để cung cấp cho khí quyển, thủy quyển và sinh quyển. Trước đây một số giả thuyết cho rằng nhóm nguyên tố trên có lẽ đã được mang đến trái đất bằng các thiên thạch, gọi là carbonaceous chondrite, thường xuyên tấn công bề mặt địa cầu vào thời hành tinh chúng ta còn quá non trẻ. Tuy nhiên, giả thiết này đã bị loại bỏ vì không phù hợp và đội ngũ chuyên gia triển khai sứ mệnh nhằm tìm kiếm nguồn gốc của nhóm carbon, nitrogen, hydrogen và lưu huỳnh trên trái đất.
Các nhà khoa học của Đại học Rice đã tạo ra môi trường áp suất và nhiệt độ cao mà họ cho rằng có thể hình thành nên lõi của hành tinh Theia. Với thông tin thu được, họ nhập dữ liệu vào mô hình máy tính, chạy tổng cộng khoảng 1 tỉ kịch bản khác nhau, nhằm xác định bằng cách nào trái đất tiếp nhận được các nguyên tố cần thiết cho sự sống. Theo báo cáo trên chuyên san Science Advances, nhà nghiên cứu Damanveer Grewal cho biết mọi thứ tìm được đều tương đồng với giả thuyết về vụ va chạm giữa một hành tinh cỡ sao Hỏa, có lõi giàu lưu huỳnh và mang nhiều nguyên tố dễ bay hơi và trái đất, mang đến cơ hội để sự sống sinh sôi và theo đó mặt trăng hình thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.