Gian nan hành trình truy tìm nguồn gốc SARS-CoV-2

27/08/2021 14:00 GMT+7

Đến nay, giới tình báo Mỹ cũng chưa thể xác định rõ ràng nguồn gốc SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 .

Hãng AFP ngày 26.8 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được báo cáo tình báo không kèm theo kết luận chính xác về nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19, một phần do thiếu thông tin từ Trung Quốc.
Hồi tháng 5, ông Biden ra thời hạn 90 ngày cho giới tình báo nộp báo cáo. Đến cuối thời hạn, báo cáo được nộp lên vẫn chưa thể nhận định nguồn gốc của virus là do lây nhiễm tự nhiên từ động vật sang người hay do rò rỉ trong sự cố của phòng thí nghiệm.

Áp lực quốc tế

Dù các ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) từ đầu tháng 12.2019, mãi đến ngày 11.7.2020, nhóm tiền trạm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đến Trung Quốc để bắt đầu cuộc điều tra về nguồn gốc virus.
Sau nhiều áp lực từ cộng đồng quốc tế nhằm truy tìm nguồn gốc Covid-19, WHO và Trung Quốc đồng ý phối hợp để xác định quy mô, lộ trình và thành phần các nhà khoa học tham gia điều tra sau này. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi chính quyền Mỹ chính thức kích hoạt quá trình rút khỏi WHO, sau những chỉ trích về việc cơ quan này bị Trung Quốc chi phối.

Chợ hải sản Vũ Hán tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là khu vực ghi nhận các ca bệnh vào tháng 12.2019

Ảnh: AFP

Thậm chí, mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc vốn bị cho là lạnh nhạt trong vài năm qua còn trở nên xấu hơn sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc virus. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Úc bị cấm tại Trung Quốc hoặc chịu thuế cao, bị kéo dài thời gian làm thủ tục hải quan và Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó liệt kê nhiều nguyên nhân, trong đó có việc Thủ tướng Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19.
Nhóm tiền trạm của WHO mất 3 tuần cho chuyến làm việc tại Trung Quốc, trong đó có thời gian 2 tuần bị cách ly theo quy định của nước này.

Tình báo Mỹ chưa thể xác định nguồn gốc của virus gây Covid-19 là từ động vật hay phòng thí nghiệm

Điều tra gian nan

Đến ngày 5.1, hơn 5 tháng sau chuyến tiền trạm của các chuyên gia, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ sự thất vọng vì Trung Quốc vẫn chưa cho nhóm chuyên gia quốc tế nhập cảnh để điều tra nguồn gốc virus gây Covid-19.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi đó cho hay nước này chưa cho các chuyên gia quốc tế vào điều tra “không chỉ vì chuyện thị thực”.
“Vấn đề truy nguồn gốc là cực kỳ phức tạp. Nhằm đảm bảo công việc của nhóm chuyên gia quốc tế tại Trung Quốc diễn ra êm thấm, chúng tôi phải tiến hành các quy trình cần thiết và có những sự chuẩn bị liên quan”, bà Hoa cho biết.

Nhóm chuyên gia WHO đến Vũ Hán vào tháng 1

Ảnh: Reuters

Đến ngày 14.1, nhóm chuyên gia của WHO đến thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), cách ly 2 tuần và bắt đầu cuộc điều tra.
Ngày 9.2, nhóm chuyên gia WHO và chuyên gia Trung Quốc họp báo chung, công bố kết quả điều tra. Tuy nhiên, các chuyên gia chưa kết luận được liệu virus có xuất phát từ phòng thí nghiệm hay không và đề nghị nghiên cứu thêm, theo The Guardian.

Kết luận không rõ ràng

Đến ngày 30.3 WHO mới chính thức công bố báo cáo kết quả điều tra sau nhiều lần trì hoãn. Tuy nhiên, báo cáo do các chuyên gia quốc tế được WHO chỉ định cùng đối tác Trung Quốc phối hợp biên soạn cũng không đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào.
Báo cáo cho rằng virus “rất có thể” lây sang người từ dơi thông qua “một động vật trung gian chưa được xác định”, trong khi giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) được xác định là "cực kỳ khó có thể xảy ra".
Cánh cửa đang khép lại
Chuyên san Nature ngày 25.8 đăng bài viết của nhóm khoa học gia tham gia cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc cảnh báo rằng cánh cửa đang khép lại về khả năng sinh học trong điều tra về những người và động vật tại Trung Quốc cũng như nước ngoài. Kháng thể SARS-CoV-2 suy yếu dần, nên việc thu thập và xét nghiệm mẫu ở những người có thể phơi nhiễm trước tháng 12.2019 sẽ khó có kết quả chính xác. Các nông trại động vật hoang dã ở Trung Quốc có hàng triệu lao động và cung cấp động vật sống cho các thành phố khắp Trung Quốc, kể cả Vũ Hán. Nhằm đối phó đại dịch, nhiều nông trại đã đóng cửa và tiêu hủy động vật, khiến việc tìm kiếm bằng chứng về tình trạng lây lan ban đầu ngày càng khó. “Do đó, chúng tôi kêu gọi cộng đồng khoa học và lãnh đạo các nước hợp lực tăng tốc nghiên cứu giai đoạn 2 khi vẫn còn thời gian”, nhóm chuyên gia quốc tế này kêu gọi.
Tổng giám đốc WHO cho biết nhóm chuyên gia quốc tế “đã bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải khi tiếp cận dữ liệu thô ở Trung Quốc”.

WHO lập nhóm cố vấn điều tra nguồn gốc Covid-19, Trung Quốc vẫn phản đối cung cấp dữ liệu thô bệnh nhân Vũ Hán

Sau khi báo cáo được công bố, Mỹ cùng 13 đồng minh bao gồm Anh, Nhật Bản và Úc đưa ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại về báo cáo của WHO, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh hạn chế các điều tra viên tiếp cận các dữ liệu về Covid-19.

Giai đoạn 2 bị từ chối

Trong cuộc họp kín với đại diện của các nước thành viên ngày 16.7, ông Ghebreyesus đề xuất 5 ưu tiên cho giai đoạn kế tiếp của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19. Trong số đó có “việc kiểm tra các phòng thí nghiệm liên quan và các viện nghiên cứu hoạt động ở những khu vực có ca nhiễm đầu tiên được xác định vào tháng 12.2019”.
Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của Trung Quốc Tăng Ích Tân sau đó tuyên bố nước này sẽ không theo kế hoạch do WHO đề xuất về giai đoạn 2 của cuộc điều tra. Ông Tăng cho rằng đề xuất chứa đựng ngôn từ không tôn trọng khoa học và Trung Quốc phản đối chính trị hóa cuộc điều tra này, theo Reuters.
Đến ngày 12.8, WHO đề nghị Trung Quốc chia sẻ dữ liệu thô từ các ca nhiễm Covid-19 sớm nhất để tiến hành thêm cuộc điều tra về nguồn gốc dịch bệnh.

Trung Quốc vì sao đặt ra nghi ngờ bệnh Covid-19 có nguồn gốc từ Mỹ?

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc ngày 13.8 nói rằng cuộc điều tra ban đầu đã đủ và những lời kêu gọi cung cấp thêm dữ liệu liên quan xuất phát từ động cơ chính trị hơn là một cuộc điều tra mang tính khoa học.

Trung Quốc “tự mâu thuẫn”

Theo Reuters, Tổng cục trưởng Cục kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Phó Thông ngày 25.8 kêu gọi WHO đến thăm phòng thí nghiệm quân sự Mỹ ở căn cứ Fort Detrick (bang Maryland), sau khi từ chối điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc Covid-19 tập trung vào các phòng thí nghiệm Trung Quốc. Tuy nhiên, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan chỉ ra rằng phát biểu của phía Trung Quốc là mâu thuẫn vì nước này luôn cực lực bác bỏ giả thuyết SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm. “Tôi thấy khó hiểu nhưng sẵn sàng phối hợp với các đồng nghiệp Trung Quốc để hiểu chính xác thông cáo đó có nghĩa gì”, theo ông Ryan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.