Giới phân tích 'chạy hết công suất' trước tin họp thượng đỉnh Mỹ - Triều

09/03/2018 11:54 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đang được sắp xếp.

Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter ngày 8.3 (giờ Mỹ): “Ông Kim Jong-un đã nói về phi hạt nhân hóa với các đại diện Hàn Quốc, chứ không chỉ là đóng băng. Triều Tiên cũng sẽ không thử tên lửa trong lúc này. Đã có tiến triển lớn nhưng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn duy trì cho đến khi đạt được một thỏa thuận. Cuộc gặp đang được trù tính!”.
Đoạn tweet này được chủ nhân Nhà Trắng đăng tải ngay sau khi lãnh đạo Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong tuyên bố một số nội dung quan trọng sau chuyến thăm Triều Tiên.
Theo công bố của ông Chung, trong thông điệp của Bình Nhưỡng mà ông truyền đạt trực tiếp đến Washington, lãnh đạo Kim Jong-un cam kết phi hạt nhân hóa và dừng các hoạt động thử tên lửa, hạt nhân.
Ông cũng đề nghị gặp mặt Tổng thống Mỹ sớm nhất có thể. Đáp lại, Tổng thống Trump chấp nhận lời đề nghị và đang lên kế hoạch để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên trước cuối tháng 5 tới.
Reuters dẫn nhận định của một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ nói rằng Tổng thống Trump nhận lời gặp mặt vì lãnh đạo là người duy nhất có thể đưa ra quyết định tại Triều Tiên, do đó chấp nhận đề nghị là điều phù hợp.
Ngay tối 8.3 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về những diễn biến mới nhất liên quan tới Triều Tiên. Ông Abe cho biết sẽ tới Mỹ gặp ông Trump vào tháng 4 để bàn về vấn đề Triều Tiên.
Mặc dù hoan nghênh sự chuyển biến trong quan điểm của Triều Tiên, nhưng ông Abe nhấn mạnh Mỹ và Nhật vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa để buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.
Sau khi có thông tin về khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bình luận. Ông Tong Zhao tại Trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa tại Bắc Kinh, Trung Quốc nhận định: “Triều Tiên có hai mục tiêu: một là khiến cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ, chấp nhận thực tế hạt nhân. Hai là để giải tỏa áp lực kinh tế sớm nhất có thể. Đó là lý do ông Kim Jong-un đề nghị gặp ông Trump càng sớm càng tốt”. Chuyên gia này cho rằng ông Trump đang đánh giá quá cao tác dụng của các lệnh trừng phạt, vì cho dù có trừng phạt thêm nữa thì Triều Tiên cũng sẽ không từ bỏ các năng lực hạt nhân mà nước này đã đạt được.
Trong khi đó cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, người từng đàm phán với Triều Tiên, cho rằng đây là một sự cải thiện đáng kể về ngoại giao, nhưng có hai câu hỏi chủ yếu về cuộc gặp sắp tới. “Thứ nhất là phía Mỹ sẽ nói gì - tức là Mỹ muốn đạt được điều gì, và Mỹ sẵn sàng trao đổi gì để đạt được điều đó. Câu hỏi thứ hai là Mỹ và Triều Tiên sẽ làm gì khi đang đàm phán. Liệu Mỹ và đồng minh có duy trì sức ép lên Triều Tiên? Và liệu Triều Tiên có tiếp tục phát triển, thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân hay không?”, Reuters dẫn lời ông nói.
Ông Robert Gallucci, trưởng đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán giai đoạn khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên năm 1994, nhận định đây là một diễn biến đáng ngạc nhiên, và nếu cuộc gặp có thể diễn ra thì sẽ là một bước tiến đáng kể để giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra chiến tranh.
Trong khi đó, chuyên gia Takashi Kawakami tại Đại học Tokyo, Nhật Bản cho rằng Mỹ sẽ chờ xem diễn biến cuộc hội đàm thượng đỉnh hai miền Triều Tiên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS – Mỹ) đánh giá cao khả năng của Tổng thống Trump. Bà nhận định: “Ông Trump là một người giỏi thỏa thuận và có lẽ ông tin rằng tự mình có thể thuyết phục được ông Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân. Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim vừa có nguy cơ và cơ hội. Phía Mỹ phải chuẩn bị rất kỹ và biết chính xác điều mình muốn đạt được, và phải đánh đổi điều gì”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.