Greenland, Đan Mạch phản ứng gì trước tin đồn Tổng thống Trump muốn mua đảo?

17/08/2019 13:31 GMT+7

Greenland khẳng định luôn chào đón các nước đến giao thương sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua hòn đảo lớn nhất thế giới .

Chính quyền Greenland đã bác bỏ ý tưởng bán hòn đảo có diện tính khoảng 2,1 triệu km2, đồng thời nói rằng: “Chúng tôi mở cửa với việc kinh doanh, không phải để bán”.
“Greenland rất giàu tài nguyên quý giá như khoáng sản, nước tinh khiết nhất, cá, hải sản, năng lượng tái tạo và có tiềm lực về du lịch mạo hiểm song không phải để bán”, theo BBC ngày 17.8 dẫn nguồn từ cơ quan ngoại giao Greenland.
Thủ hiến Kim Kielsen của Greenland cũng lặp lại các bình luận trên trong một tuyên bố riêng. “Greenland không phải để bán, nhưng Greenland mở cửa cho thương mại và hợp tác với các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ”, ông Kielsen nhấn mạnh.

[VIDEO] Tổng thống Trump gây sốc vì "tìm cách mua Greenland"

Các chính trị gia ở Đan Mạch đã chỉ trích ý tưởng bán đảo cho Mỹ. “Đây hẳn là một trò đùa Ngày cá tháng Tư”, cựu Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen viết trên Twitter.
Soren Espersen, phát ngôn viên về đối ngoại của đảng Nhân dân Đan Mạch, phát biểu trên Đài truyền hình DR rằng: “Ý nghĩ cho rằng Đan Mạch sẽ bán 50.000 công dân cho Mỹ thật quá vô lý”.
“Điều này hầu như không bao giờ xảy ra. Hãy quên đi”, nghị sĩ đảng Bảo thủ Đan Mạch Rasmus Jarlov viết trên Twitter.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen, người nhậm chức hồi đầu năm nay, hiện chưa bình luận về thông tin này.
Động thái trên diễn ra sau khi tờ The Wall Street Journal ngày 16.8 loan tin Tổng thống Donald Trump đang có ý định mua hòn đảo Greeenland từ Đan Mạch để mở rộng lãnh thổ Mỹ và đã nhắc đến khả năng này trong nhiều cuộc gặp với giới chức Nhà Trắng lẫn quốc hội.
Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2,1 triệu km2 nhưng hơn 80% bị băng đá bao phủ và dân số chỉ khoảng 56.000 người.
Dù nằm ở phía đông bắc Canada và lân cận lục địa Bắc Mỹ nhưng Greenland hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Chính quyền đảo này được tự quyết hầu hết các vấn đề đối nội nhưng phụ thuộc vào Đan Mạch về đối ngoại, quốc phòng và vẫn nhận nguồn viện trợ lớn hằng năm từ Copenhagen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.