Trong ngày 11.3, lần lượt Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu rồi Bộ trưởng Gia đình Fatma Betul Sayan Kaya của Thổ Nhĩ Kỳ bị phía Hà Lan ngăn cản đến nước này. Cả ông Cavusoglu và bà Kaya dự kiến đến Hà Lan để tham gia mít tinh kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc trưng cầu dân ý sửa đổi hiến pháp vào ngày 16.4.
Hành động của Hà Lan gây ra sự phản đối dữ dội từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 12.3 tuyên bố Hà Lan "chắc chắn sẽ phải trả giá và sẽ được dạy thế nào là ngoại giao quốc tế", theo Reuters.
"Tôi tưởng chủ nghĩa phát xít đã chết nhưng tôi đã lầm. Chủ nghĩa phát xít vẫn còn lan truyền tại phương Tây. Phương Tây đã lộ bộ mặt thật", ông Erdogan nói.
Ngoại trưởng Cavusoglu thì phát biểu trước các phóng viên tại thành phố Metz (Pháp) rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phản đối Hà Lan đến khi nào nước này chịu xin lỗi. Ông Cavusoglu cũng lớn tiếng chỉ trích Hà Lan, gọi nước này là "thủ đô của chủ nghĩa phát xít". Thủ tướng Binali Yildirim thì thông báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "trả đũa bằng những cách gay gắt nhất, phản ứng phù hợp với những hành vi không thể chấp nhận này".
Ngược lại với những phát ngôn kích động từ Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng ông sẽ làm mọi cách để hạ nhiệt tình hình. Ông Rutte coi sự căng thẳng này là vấn đề tồi tệ nhất mà Hà Lan phải đối mặt trong những năm gần đây. Thủ tướng Rutte tuy vậy khẳng định sẽ không xin lỗi và cho rằng đòi hỏi này là "lạ kỳ".
Căng thẳng tăng cao trong ngày 12.3 khi nhiều người tập trung bên ngoài Đại sứ quán Hà Lan ở Ankara cũng như lãnh sự quán ở Istanbul để phản đối, ném trứng và gạch đá vào bên trong. Thậm chí, một số người biểu tình còn hạ cờ Hà Lan tại lãnh sự quán nước này ở Istanbul để thay bằng cờ Thổ Nhĩ Kỳ.
Cảnh sát Hà Lan trong cùng ngày cũng dùng chó nghiệp vụ và vòi rồng giải tán hàng trăm người vẫy cờ Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Rotterdam.
Căng thẳng ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ tăng cao khiến một số nước châu Âu lo ngại và lên tiếng kêu gọi hạ nhiệt. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 12.3 cảm thấy "rất đáng tiếc" về sự việc giữa 2 nước đồng minh trong khối NATO. Ông Johnson nhấn mạnh 2 nước cần dàn xếp tình hình càng sớm càng tốt, theo hãng thông tấn Anadolu.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và các nước EU bình tĩnh, giảm căng thẳng. Pháp cũng kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ hành động có giới hạn và tránh khiêu khích. Tuy nhiên, Paris lại cho rằng không có lý do gì phải cấm một cuộc họp diễn ra nếu không gây hại đến trật tự công cộng.
Căng thẳng giữa 2 nước tăng cao sau khi 2 bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ không được cho phép vào Hà Lan để dự mít tinh Reuters
|
Cảnh sát Hà Lan cưỡi ngựa giải tán người Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Rotterdam Reuters
|
Bình luận (0)