Hãng Yonhap ngày 5.4 đưa tin chính phủ Hàn Quốc có thể cân nhắc cấm công dân đến Myanmar và sắp xếp thêm các chuyến bay đưa công dân về nước, nếu tình hình bất ổn chính trị tại Myanmar trở nên xấu hơn.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ đã giúp tổ chức 1-2 chuyến bay/tuần từ Myanmar kể từ sau chính biến ngày 1.2. Đến nay, tổng cộng 411 trong số 3.500 công dân Triều Tiên ở Myanmar đã về nước trên các chuyến bay này.
Bên cạnh đó, sẽ có thêm 274 người về nước trong tuần này. Cộng đồng Hàn Quốc ở Myanmar vẫn chưa có thông tin gì về thiệt hại, nhưng việc một nhân viên Myanmar tại chi nhánh Yangon của Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc) trúng đạn tử vong khiến mọi người thận trọng hơn.
Nhằm đảm bảo an toàn của người dân Hàn Quốc, chính phủ đang “hoàn toàn chuẩn bị” để có các bước nhanh chóng khi cần, bao gồm khả năng cấm đi lại và tăng số chuyến bay đặc biệt, thông qua tham vấn với Hãng hàng không quốc gia Myanmar và cơ quan chức năng trong lĩnh vực hàng không, theo quan chức trên.
Theo đó, kể từ tuần này, Hàn Quốc sẽ tổ chức 3 chuyến bay hằng tuần, và hoàn toàn có khả năng tổ chức 4 chuyến/tuần nhưng nhu cầu chưa đến mức đó.
Có hơn 260 công ty Hàn Quốc hoạt động ở Myanmar, trong đó có nhiều công ty may mặc có nhà máy tại nước này nên nhiều người hiện khó về nước.
Theo quan chức trên, việc cấm đi lại cũng là biện pháp được cân nhắc, nhưng ít có khả năng sẽ đưa ra sớm. Trước đó vào ngày 3.4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nâng mức cảnh báo đi lại với Myanmar lên mức đỏ, mức gần cao nhất trong thang 4 mức độ và có ý nghĩa khuyến cáo người dân nên về nước.
Biểu tình tiếp diễn
Trong khi đó, người biểu tình Myanmar ngày 5.4 tiếp tục đề nghị khôi phục chính phủ của bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi phối hợp trên cả nước để phản đối chính quyền quân sự, theo Reuters.
Công ty tư vấn Fitch Solutions (Anh) ngày 5.4 cho rằng tình hình tại Myanmar đã “vượt quá điểm không chắc chắn” và dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 20% trong tài khóa tính từ tháng 10.2020.
Động thái từ ASEAN
Cũng trong hôm nay 5.4, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN là Brunei bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc họp giữa lãnh đạo các nước nhằm thảo luận về tình hình Myanmar, và đã đề nghị các quan chức chuẩn bị họp tại Jakarta (Indonesia).
Indonesia đã dẫn đầu nỗ lực của các thành viên ASEAN, trong đó Myanmar cũng là thành viên, nhằm khuyến khích giải pháp đàm phán tại Myanmar, dù nguyên tắc của khối là không can thiệp và chuyện nội bộ của các thành viên.
Trong thông cáo cung với Malaysia, Brunei cho biết 2 nước đã chỉ đạo các bộ trưởng và quan chức cấp cao của mình tiến hành “những bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc gặp sẽ được tổ chức tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta”.
Thông cáo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah vào cùng ngày. “Hai nhà lãnh đạo đồng ý về việc các lãnh đạo ASEAN sẽ gặp nhằm thảo luận về những diễn biến đang xảy ra tại Myanmar”, thông cáo viết, nhưng không đề cập thời điểm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về số thương vong gia tăng tại Myanmar và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa.
Bình luận (0)