Tính đến nay đã hơn một năm kể từ khi chỉ huy Lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran là tướng Qassem Soleimani thiệt mạng trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở sân bay quốc tế thủ đô Baghdad của Iraq ngày 3.1.2020. Thông tin về vụ ông Soleimani bị ám sát đã gây chấn động thế giới nhưng kế hoạch ám sát ông đã được chuẩn bị trước đó gần 3 năm, theo một cựu quan chức và quan chức đương nhiệm Mỹ vừa tiết lộ với Yahoo News.
Vai trò của ông Pompeo
Theo tiết lộ trên, ông Mike Pompeo được cho là người đầu tiên lập nhóm đặc nhiệm gồm các lãnh đạo Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) nhằm “khử Qassem Soleimani” ngay khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc CIA vào tháng 1.2017, không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Ông Pompeo còn thúc đẩy các kế hoạch ám sát ông Soleimani với Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) trong năm 2017. Khi đó, kế hoạch nhận được nhiều ý kiến khác nhau, với một số quan chức nêu quan ngại liên quan pháp lý trong khi một số quan chức khác hoan nghênh cách tiếp cận mới của tân giám đốc CIA sau những gì bị xem là cách tiếp cận mềm mỏng hơn từ chính quyền Tổng thống Barack Obama. Ông Pompeo được cho là đã nói với những quan chức quan ngại về pháp lý rằng đừng lo lắng việc ám sát ông Soleimani có hợp pháp hay không và vấn đề đó có luật sư lo.
|
Các nguồn tin tiết lộ những kế hoạch trên được đẩy mạnh vào năm 2018 khi ông Trump thông báo rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Lúc bấy giờ, kế hoạch cũng được cho là thay đổi từ việc sử dụng CIA chuyển sang dùng các đơn vị đặc nhiệm của Lầu Năm Góc.
Trong thời gian gần 3 năm từ cuộc họp đầu tiên của ông Pompeo về kế hoạch trên và khi ông Soleimani bị ám sát, Mỹ đã cố gia tăng giám sát vị tướng Iran. Bà Victoria Coates, làm Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ về Trung Đông khi đó, mới đây tiết lộ với Yahoo News rằng kế hoạch thực sự bắt đầu trở thành hiện thực vào tháng 11.2019, khi nhiều "việc xấu” xảy ra dường như có liên quan đến ông Soleimani và Mỹ.
Giới chức NSC sau đó nhận cuộc gọi từ cấp trên rằng họ cần đảm bảo có được các lựa chọn theo thứ tự để ám sát ông Soleimani. Theo đó, kế hoạch tiếp tục được đẩy mạnh với các cuộc họp đều đặn được tổ chức có sự tham gia của bộ máy tình báo và giới chỉ huy quân đội Mỹ.
Nhiều quan chức cấp cao Mỹ tiết lộ Tổng thống Trump bật đèn xanh cho kế hoạch giết chết ông Soleimani sau khi một công dân Mỹ bị một dân quân Iran ở Iraq giết chết vào tháng 12.2019. Tuy nhiên, một quan chức khẳng định việc ông Trump bật đèn xanh vì ông muốn ghi điểm trong chiến dịch tái tranh cử, theo Yahoo News.
"Mối đe dọa nghiêm trọng"
Việc lên kế hoạch ám sát ông Soleimani kết thúc bằng cuộc không kích tại sân bay ở Baghdad vào những giờ đầu của ngày 3.1.2020. Giới chức mới đây tiết lộ chi tiết về công tác hậu cần liên quan. Theo đó, đặc nhiệm Mỹ giả làm nhân viên bảo trì còn đặc nhiệm người Kurd ở Iraq ăn mặc như nhân viên phụ trách hành lý để chào đón vị tướng Iran. Vài giờ trước khi cuộc không kích xảy ra, các đặc nhiệm Mỹ giả dạng nhân viên bảo trì đã vào vị trí gần sân bay.
Ngoài ra, các thành viên liên lạc của Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt chung của Mỹ ở Tel Aviv đã làm việc với giới chức Israel để truy vết những nơi đến của ông Soleimani thông qua điện thoại di động của ông này, theo Yahoo News dẫn lời một sĩ quan quân đội. Ông Soleimani đã đổi điện thoại di động 3 lần trong 6 giờ đồng trước khi ông lên chuyến bay từ thủ đô Damascus (Syria) đến Baghdad, nhưng giới chức Israel đã hỗ trợ theo dõi điện thoại ông Soleimani đang sử dụng và chuyển thông tin cho tình báo Mỹ.
Cựu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chris Miller cũng tiết lộ rằng ông Soleimani không phải là mục tiêu duy nhất và chính quyền Mỹ khi đó còn lên kế hoạch loại nhiều sĩ quan quân sự và tình báo cấp cao của Iran. Trong đó có chỉ huy hàng đầu của Quds ở Yemen Abdulreza Shahlai và những thành viên của lực lượng dân quân PMF ở Iraq được Iran hậu thuẫn, nhưng kế hoạch không thành hiện thực vào thời điểm đó.
Ông Miller cho biết thêm mối dọa từ Iran đối với những quan chức tham gia kế hoạch trên nghiêm trọng đến mức trong những ngày tại vị cuối cùng của Tổng thống Trump, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã đưa ra những kế hoạch vào giờ phút chót về cách họ có thể bảo vệ những nhân vật đó sau khi họ mãn nhiệm. Tình trạng này đã dẫn tới việc ông Trump phê chuẩn khoản ngân sách 15 triệu USD để chi trả cho việc bảo vệ những cựu quan chức và quan chức về hưu thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ “đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng từ một thế lực nước ngoài”. Một cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng số tiến đó đặc biệt dành cho việc bảo vệ ông Pompeo và ông Brian Hook, từng là đặc phái viên hàng đầu của Tổng thống Trump về Iran, nói rằng “người Iran là nguy cơ nghiêm trọng đối với hai người đó”, theo Yahoo News.
Bình luận (0)