Hệ lụy cho Biển Đông

18/02/2020 09:00 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo một khi Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) giữa Mỹ và Philippines bị hủy, Trung Quốc có thể mở rộng xây dựng ở Biển Đông.

Tờ Philippine Daily Inquirer hôm qua 17.2 đưa tin Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Philippines Panfilo Lacson mới đây kêu gọi Tòa án Tối cao (SC) nước này nên có tiếng nói cuối cùng về số phận của VFA với Mỹ.
Ngày 11.2, Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin Jr gửi thông báo hủy VFA cho chính phủ Mỹ theo lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte và việc hủy thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 180 ngày. Thượng nghị sĩ Philippines Franklin Drilon nói rõ vì Hiến pháp không quy định Thượng viện phải can thiệp vào việc hủy bỏ các hiệp ước với nước khác nên chỉ SC mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng về VFA.
“SC nên có phán quyết cuối cùng về vấn đề này. Chúng ta không thể tiếp tục bỏ mặc số phận của các hiệp ước quan trọng như VFA, vì việc hủy thỏa thuận này sẽ dẫn tới hậu quả sâu rộng”, ông Drilon nhấn mạnh.
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giới chuyên gia dự đoán việc hủy VFA sẽ có tác động đến tình hình Biển Đông. Trong đó, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định nước này rằng không có VFA, Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông. Ông khẳng định VFA đã ngăn chặn Trung Quốc biến bãi cạn tranh chấp Scarborough trên Biển Đông thành đảo nhân tạo hồi năm 2016.
Chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định Indonesia và Việt Nam có thể tìm kiếm hợp tác quân sự gần gũi với Mỹ. Ông Koh còn cho rằng Singapore là một đối tác quốc phòng quan trọng của Mỹ và cũng có thể mở rộng hợp tác quân sự song phương.
Ngoài ra, một số nhà phân tích đánh giá việc hủy VFA có thể dẫn tới kết thúc hai thỏa thuận quân sự quan trọng còn lại giữa Mỹ và Philippines.
Đó là Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở Philippines. “Nếu MDT sụp đổ, đó sẽ là chiến thắng lớn cho Trung Quốc”, nhà phân tích kỳ cựu Derek Grossman thuộc Tổ chức Nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), nhận định.
Tương tự, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng nếu không có EDCA, Trung Quốc lập tức sẽ đạt được lợi thế trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh với Mỹ ở Biển Đông, theo tờ The Philippine Star.
Ông Poling cảnh báo rằng khi xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ kiểm soát vùng biển và không phận ở Biển Đông do nước này có các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp. “Không có EDCA, các lực lượng Mỹ không có lựa chọn nào khác là đành để vùng biển và không phận ở Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc trong giai đầu của cuộc chiến”, ông Poling suy đoán.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Munich ở Đức hồi cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích Trung Quốc là mối đe dọa đang lên đối với trật tự thế giới, cáo buộc quốc gia này dọa dẫm các nước láng giềng và tìm kiếm “lợi thế bằng mọi giá”, theo AP. Đáp lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích những phát biểu của ông Esper liên quan Trung Quốc là “lời dối trá”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.