Đó chính là thiên hà Tam Giác, cách địa cầu khoảng 3 triệu năm ánh sáng và cũng là một trong những vật thể xa nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, kính viễn vọng không gian Hubble không hề bị giới hạn như mắt người, và vì thế xoay xở chụp được hình ảnh chi tiết nhất về láng giềng của chúng ta. Vậy thì chi tiết đến mức nào? Hình ảnh công bố được ghép từ 54 bức ảnh khác nhau, cho phép độ phân giải lên đến 665 triệu điểm ảnh (tương đương 1,67 GB), chụp lại một khu vực trải dài 19.400 năm ánh sáng với 10 - 15 triệu ngôi sao có thể thấy được, theo trang tin SciTechDaily.
Dù chỉ ghi được khoảng 1/3 kích thước của thiên hà thuộc dạng xoắn ốc, hình ảnh hé lộ phần trung tâm của thiên hà và đoạn cấu trúc bên trong của các cánh tay xoắn ốc. Thiên hà Tam Giác, còn gọi là Messier 33 hoặc NGC 598, là thiên hà lớn thứ ba trong cái gọi là Nhóm Địa phương (chỉ quần thể chứa hơn 54 thiên hà bao gồm cả Dải Ngân hà). Lớn nhất là thiên hà Tiên Nữ với bề ngang trải rộng suốt 200.000 năm ánh sáng và kế đến là Dải Ngân hà của chúng ta (100.000 năm) ánh sáng. Vì kích thước khiêm tốn nên thiên hà Tam Giác có ít sao hơn, chỉ khoảng 40 tỉ đơn vị sao, so với 1.000 tỉ của Tiên Nữ và 200 - 400 tỉ của Dải Ngân hà. Tuy nhiên, thiên hà Tam Giác chứa đầy bụi và khí ga, cho phép sản sinh sao với tốc độ chóng mặt.
“Ấn tượng đầu tiên khi nhìn vào những hình ảnh do Hubble cung cấp đó là có quá nhiều sao đang tượng hình”, theo nhà thiên văn học Julianne Dalcanton của Đại học Washington tại Seattle. Chuyên gia Mỹ đánh giá tốc độ hình thành sao cao gấp 10 lần so với khu vực từng được khảo sát thuộc thiên hà Tiên Nữ vào năm 2015. Có lẽ thiên hà Tam Giác gia nhập Nhóm Địa phương muộn hơn các đồng bạn khác, hoặc cũng có thể nó luôn tồn tại độc lập và không dính dáng gì đến những sự kiện sáp nhập giữa các thiên hà. Giới nghiên cứu hy vọng kính viễn vọng Hubble sẽ giúp hóa giải bí ẩn này trong thời gian tới.
Bình luận (0)