Cáo buộc mới của Georgia
Hãng tin AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Nội vụ Georgia Shota Utiashvili cho biết các lực lượng Nga đã bắt đầu rút khỏi thành phố Gori, nơi Georgia dùng làm bàn đạp để tấn công khu vực ly khai Nam Ossetia hôm 8.8, dẫn đến cuộc xung đột giữa Nga và Georgia. "Người Nga đã bắt đầu rút quân, cảnh sát và các lực lượng vũ trang Georgia đang tiếp quản", AP dẫn lời ông Utiashvili. Ông Utiashvili cũng cho biết binh lính Nga đã rời khỏi Poti, thành phố cảng trên bờ Biển Đen vốn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Georgia. Tuy nhiên, phía Georgia sau đó lại cáo buộc rằng phía Nga lại đưa thêm binh lính vào Gori và vẫn chưa rời khỏi Poti. Ít nhất 5 vụ nổ đã được nghe thấy tại đây sau một cuộc đối đầu giữa binh lính Nga và cảnh sát Georgia bên ngoài Gori, theo AP. Hôm 13.8, các lãnh đạo Nga và Georgia đã ký thỏa ước ngừng bắn, theo đó hai bên rút lực lượng trở về các vị trí trước khi Georgia tấn công Nam Ossetia. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết binh lính Nga sau đó đã tiến đến Gori. Một tướng Nga tại Gori cho biết cần 2 ngày để quân Nga rút khỏi Gori.
Lo ngại về tình hình Georgia càng tăng khi AP dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết Tổng thống Dmitry Medvedev hôm qua đã gặp các lãnh đạo Nam Ossetia và Abkhazia và khẳng định ông ủng hộ nỗ lực độc lập của 2 vùng lãnh thổ này. Gần như cùng lúc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố thế giới có thể "quên sự toàn vẹn lãnh thổ của Georgia".
Máy bay quân sự Mỹ đến Tbilisi
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, 2 máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ chở hàng cứu trợ bao gồm thuốc men và nhu yếu phẩm khác đã hạ cánh xuống Tbilisi trong 2 ngày qua. Nhiều tấn hàng cứu trợ của LHQ cũng đã đến Georgia. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục cử máy bay quân sự và lực lượng hải quân của nước này chuyển hàng cứu trợ và thuốc men cho Georgia trong những ngày tới.
Việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo nói trên được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mỹ George W.Bush. Trong bài diễn văn phát đi từ Nhà Trắng hôm 13.8, ông Bush đã đe dọa rút lại sự hỗ trợ của Mỹ cho những nguyện vọng của Nga "hội nhập vào các cấu trúc ngoại giao, chính trị, kinh tế và an ninh của thế kỷ 21". Tổng thống Mỹ khẳng định rằng Nga phải chấm dứt hành động quân sự tại Georgia, đồng thời tuân thủ thỏa ước ngừng bắn với Tbilisi nếu muốn khôi phục quan hệ đang bị tổn hại với Mỹ, châu u và các nước khác. Ông Bush cũng đã lệnh cho Ngoại trưởng Condolezza Rice sang Paris (Pháp) và Tbilisi để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Georgia bất chấp cảnh báo từ phía Nga rằng Washington phải chọn 1 trong 2, quan hệ đối tác với Nga hay ủng hộ Georgia.
Nỗ lực của LHQ
Theo thông tin từ Đại sứ quán Nga, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm 12.8 đã ký sắc lệnh tuyên bố để tang tại Liên bang Nga vào ngày 13.8 cho những nạn nhân chiến tranh ở Nam Ossetia. Tại Việt Nam, Đại sứ quán Liên bang Nga mở Sổ tang vào ngày 15.8 (từ 9 giờ đến 12 giờ và từ 15 giờ đến 18 giờ) tại trụ sở Đại sứ quán, 191 đường La Thành, Hà Nội.
Cũng trong ngày 13.8, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định LHQ sẵn sàng giúp đỡ và đưa ra các giải pháp gìn giữ hòa bình tại 2 khu vực ly khai của Georgia là Abkhazia và Nam Ossetia. Ông nhấn mạnh với vai trò ủa mình, LHQ sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp lập lại hòa bình và an ninh tại 2 khu vực này sau những ngày giao tranh. Tuy nhiên, ông Ban cho rằng những giải pháp hòa bình của LHQ, trong có việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Georgia, cần được HĐBA LHQ thông qua. Cùng ngày, theo AFP, Chủ tịch HĐBA LHQ Jan Grauls thông báo Pháp sẽ sớm trình HĐBA bản dự thảo nghị quyết mới về cuộc xung đột ở Caucasus. Đây chính là kế hoạch hòa bình sửa đổi do Pháp bảo trợ và được Nga và Georgia chấp thuận. Ông Grauls cho biết Pháp đã tiến hành thảo luận song phương với các nước thành viên HĐBA để bổ sung dự thảo, trong đó kêu gọi các bên ngừng bắn và tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Georgia.
Theo TTXVN, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi hôm 13.8 cũng đã đề xuất với Tổng thống Bush việc tổ chức một hội nghị hòa bình về khu vực Caucasus tại Roma. Theo đề xuất của Ý, đây sẽ là hội nghị 3+3 với sự tham dự của 2 nhóm, một bên là Georgia, Azerbaijan, Armenia và bên còn lại là Nga, Mỹ và EU. Hội nghị sẽ đưa ra các giải pháp nhằm đem lại hòa bình cho khu vực, trong đó có việc tái thiết các thành phố bị tàn phá tại Georgia, đàm phán về quy chế cho các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia cũng như vấn đề Nagorno-Karabakh.
Trùng Quang
Bình luận (0)