Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Hình thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới

16/11/2020 07:01 GMT+7

Chiều 15.11, Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan đã chính thức bế mạc sau gần một tuần nhộn nhịp. Dù diễn ra trong bối cảnh khó khăn vì Covid-19 , Việt Nam đã tổ chức hội nghị thành công tốt đẹp.

Covid-19 là chủ đề xuyên suốt

Xuyên suốt Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN 37, đối phó với Covid-19, phục hồi sau dịch và việc định hình thế giới cả về chính trị, an ninh, kinh tế, được các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác đề cập nhiều nhất. Hàng loạt sáng kiến đã được đề xuất, trong đó có sáng kiến nổi bật của Việt Nam về việc thành lập Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN, và Trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
ASEAN cũng thông qua Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế xã hội ở các nước.
Tại HNCC ASEAN - LHQ ngày 15.11, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao việc Việt Nam điều phối và dẫn dắt thành công các nỗ lực của ASEAN, hợp tác với các đối tác, ứng phó hiệu quả với Covid-19. LHQ cũng khẳng định tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, giảm thiểu các tác động của Covid-19 với đời sống kinh tế xã hội, qua đó triển khai thành công Khung phục hồi tổng thể, bao trùm, tự cường và bền vững.

RCEP chính thức được ký kết

Lúc 11 giờ 30 ngày 15.11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết trong khuôn khổ HNCC ASEAN 37. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Lễ ký kết là niềm tự hào, thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các đối tác đặt nền móng cho giai đoạn hợp tác mới, mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực”.
Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012, tại HNCC ASEAN 21 diễn ra tại Campuchia, đề xuất ban đầu là 10 nước ASEAN và 6 đối tác, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Hồi tháng 11.2019, Ấn Độ rút khỏi RCEP do các vấn đề chưa được giải quyết. Sau khi Ấn Độ rút ra, khu vực RCEP có 2,2 tỉ dân, chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu. Việc ký kết tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đồng thời gửi đi toàn thế giới thông điệp tích cực về việc ủng hộ thương mại đa phương, trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang trở lại tại một số nước.
Việc ký RCEP lúc này cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực hậu Covid-19. Ngay sau lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trao đổi với báo chí về ý nghĩa của hiệp định. “Việc ký kết thành công RCEP đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và tất cả các nước tham gia đàm phán hiệp định”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Lễ ký kết là niềm tự hào, thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các đối tác đặt nền móng cho giai đoạn hợp tác mới, mang tính toàn diện, lâu dài hướng tới tương lai, phù hợp với trình độ phát triển và mang lại lợi ích cho tất cả các nước trong khu vực

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ông cho biết với RCEP, một thực thể mới, một mô hình mới của thương mại và kinh tế tự do đã được hình thành. Nó sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi để tiếp tục đóng góp cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ và ứng phó có hiệu quả với những biểu hiện, xu thế bảo hộ mậu dịch. Đồng thời, nó tạo ra những nền tảng trong khuôn khổ thương mại công bằng và tự do để bảo vệ lợi ích cho tất cả các quốc gia, nhưng đặc biệt cho những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: hình thành khối thương mại lớn nhất thế giới

Theo ông Trần Tuấn Anh, RCEP được ký kết chính là một “thời khắc lịch sử”. Phạm vi, quy mô của khu vực này đủ lớn để tất cả doanh nghiệp của các nước có cơ hội tính toán, xây dựng lại chiến lược của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng. Việt Nam - một nền kinh tế mở, quy mô xuất khẩu đứng thứ 25 thế giới, có thể khai thác tốt hơn nữa hiệp định xây dựng vị trí trong bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Với những điều kiện và yêu cầu rất cụ thể trong hiệp định, chúng ta hoàn toàn yên tâm đó là vấn đề mở cửa thị trường của hàng hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư. Chúng ta không có những cam kết đi xa hơn cam kết đã có trong khuôn khổ của các hiệp định thương mại tự do mà ta đã có với các đối tác, nhất là giữa ASEAN với các đối tác. Vì vậy, sức ép cạnh tranh của hàng hóa đối với thị trường nội địa của chúng ta không đặt quá nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Biển Đông trên bàn hội nghị

Ngoài Covid-19, Biển Đông cũng được đề cập là một thách thức lớn cho hòa bình, ổn định tại khu vực, một trong những điểm nóng an ninh toàn cầu. “Hành trang” của các nước ASEAN khi bàn thảo về vấn đề này là quan điểm thống nhất đã được đề cập đến tại HNCC ASEAN 36 và Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 53.
Tại HNCC ASEAN - LHQ sáng 15.11, các bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của tinh thần trách nhiệm quốc gia trong xây dựng hòa bình, duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực. Hai bên khẳng định chia sẻ tầm nhìn và cam kết vì những mục tiêu chung là đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.
Tại hội nghị này, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh mục tiêu phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn, sẵn sàng thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin, thực hiện ngoại giao phòng ngừa trong khu vực, trên các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 - khuôn khổ cho mọi hoạt động trên biển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, khẳng định ASEAN luôn là đối tác quan trọng và tin cậy của LHQ trong bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức hiện nay, ASEAN và LHQ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ thúc đẩy các giá trị hướng tới hòa bình, tăng cường đối thoại và hợp tác, định hình một trật tự khu vực và toàn cầu hoạt động dựa trên luật lệ, xây dựng các chuẩn mực ứng xử giữa các quốc gia được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế.
Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm của Việt Nam về Biển Đông phù hợp với lập trường nguyên tắc của ASEAN đã được khẳng định, nhằm xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác. Thay mặt ASEAN, Thủ tướng nêu rõ cần tránh các hành động gia tăng căng thẳng, không quân sự hóa, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại cuộc họp báo quốc tế thông báo kết quả của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nêu bật nhận thức chung trong việc giải quyết các tranh chấp, khác biệt, nhất là vấn đề trên biển, cần dựa trên luật pháp quốc tế. Với vấn đề Biển Đông, UNCLOS 1982 đã trở thành nền tảng để giải quyết các khác biệt, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau, hòa bình, hợp tác.  
RCEP - hiệp định ý nghĩa giữa bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn
Nhiều quan chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao ý nghĩa của RCEP vừa được ký kết. Tờ Sydney Morning Herald dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham nhấn mạnh RCEP có ý nghĩa cực kỳ to lớn về mặt biểu tượng vào thời điểm bất ổn thương mại toàn cầu. “Việc ký kết thỏa thuận phát đi một thông điệp thực sự mạnh mẽ và rõ ràng rằng khu vực của chúng ta, vốn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn cam kết theo đuổi các nguyên tắc thương mại, mở cửa và tham vọng”, ông nhận định.
Theo chuyên gia thương mại Jeffrey Wilson thuộc trung tâm Perth USAsia (Úc), trước “làn gió ngược” của chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, RCEP sẽ là hiệp định thương mại khu vực quan trọng nhất từng được ký kết, sẽ làm thay đổi bản đồ kinh tế và chiến lược của khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia hy vọng hiệp ước sẽ giúp các nước thành viên giảm bớt thiệt hại về kinh tế vì Covid-19. Đại dịch khiến kinh tế Indonesia rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong 2 thập niên qua, trong khi kinh tế Philippines sụt giảm 11,5% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm trước. “Covid-19 là lời nhắc nhở đối với khu vực rằng thương mại là quan trọng và các nước đang mong chờ tăng trưởng dương về kinh tế hơn bao giờ hết”, theo AFP dẫn lời Giám đốc điều hành Deborah Elms tại Công ty tư vấn Asian Trade Centre (Singapore).
Khánh An
Rất khó nói thời điểm chính xác hoàn thiện COC
Trao đổi bên lề hội nghị về việc đàm phán COC, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, cho biết quyết tâm của các nước ASEAN và Trung Quốc trong đàm phán COC đều rất mạnh. Tất cả đều sớm mong muốn có bộ quy tắc ứng xử để có quy định chi phối các hành vi của các nước ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, việc thương lượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong khi các nước đều muốn đàm phán trực tiếp, không muốn thương lượng qua trực tuyến, nên cả năm vừa rồi chưa có một cuộc đàm phán thực chất nào về COC. “Tôi thấy khó có thể nói được rằng khi nào văn bản này có thể hoàn thiện. Tất nhiên là chúng ta muốn đẩy nhanh, nhưng còn phụ thuộc vào thiện chí của các bên, cũng như việc lập trường của các bên có hướng tới gần nhau hơn được hay không. Các bên đều mong muốn là sớm có”, Thứ trưởng Dũng nói.
Trả lời thêm về nguồn tin phía Indonesia nói với Bloomberg về việc các bên cố gắng hoàn thành COC trong 3 tháng đầu năm 2021, ông Dũng cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục hoành hành, các nước nghĩ đến việc đầu tiên là khôi phục việc di chuyển, đi lại của người dân, nhất là những công việc thiết yếu phải được bảo đảm. Quyết tâm rất cao của các nước đều đã được thể hiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là định hướng và các nguyên tắc, còn để thực hiện được phải phụ thuộc vào tình hình Covid-19 và sự sẵn sàng của từng nước.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.