Hơn 500 dân thường thiệt mạng ở Myanmar, Mỹ, Pháp lên tiếng

30/03/2021 09:50 GMT+7

Lực lượng an ninh Myanmar đã giết chết ít nhất 510 người trong gần 2 tháng qua khi đối phó các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự , theo Reuters dẫn số liệu ngày 29.3 từ Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP).

Cũng theo AAPP, 14 dân thường thiệt mạng trong ngày 29.3 và tổng số người tử vong trong các cuộc biểu tình trong ngày Quân đội của Myanmar (27.3) là 141, tăng từ con số 114 được đưa ra trước đó.
Trong số người thiệt mạng ngày 29.3 có 8 người ở vùng ngoại ô Nam Dagon thuộc thành phố Yangon. Reuters dẫn lời một số nhân chứng cho hay lực lượng an ninh dùng vũ khí có sức công phá lớn hơn bình thường để dọn dẹp các hàng rào chắn bằng bao cát do người biểu tình tạo nên. Một hình ảnh được đưa lên mạng cho thấy một binh sĩ cầm súng phóng lựu.

Cách phản đối mới của người dân Myanmar: đình công rác thải

Trong khi đó, truyền hình nhà nước Myanmar đưa tin các lực lượng an ninh đã dùng “vũ khí chống bạo động” để giải tán nhóm “những người khủng bố bạo lực”.
Dù vậy, hàng ngàn người biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường ở nhiều khu vực của Myanmar để phản đối quân đội lên nắm quyền từ cuộc chính biến ngày 1.2.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 29.3 đã lên án tình trạng chính quyền quân sự Myanmar giết hại dân thường và kêu gọi khôi phục nền dân chủ ở nước này. “Chúng tôi lên án bạo lực chống lại người dân Myanmar”, bà Psaki nhấn mạnh, theo Reuters.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cảnh báo các lực lượng an ninh Myanmar "đã vượt qua một lằn ranh khác, tính đến thứ bảy (ngày 27.3), một lần nữa dùng vũ khí chống lại người dân và giết chết hơn 100 người, trong đó nhiều người rất trẻ", theo Reuters.
Chính quyền quân sự Myanmar chưa có phản ứng về số thương vong mới cũng như chỉ trích từ Pháp và Mỹ.
Phát biểu tại lễ diễu hành kỷ niệm Ngày quân đội (27.3), Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tái khẳng định cam kết sẽ tổ chức bầu cử và cho rằng các hành động bạo lực là không phù hợp.
“Quân đội muốn chung tay với cả nước để bảo vệ dân chủ. Các hành động bạo lực ảnh hưởng đến an ninh, ổn định để đưa ra các yêu cầu là không phù hợp”, ông phát biểu trên truyền hình.
Theo ông Hlaing, quân đội Myanmar nắm quyền từ ngày 1.2 vì những hành động phạm pháp của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.