Chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc đã cho công ty Landbridge của Trung Quốc thuê Cảng Darwin với giá 506 triệu AUD hồi năm 2015. Ngoài vai trò là một cảng thương mại, Cảng Darwin còn được dùng như là căn cứ phục vụ lực lượng quốc phòng Úc và Mỹ.
Theo hợp đồng, Landbridge nắm giữ 80% cổ phần tại khu đất này và có toàn quyền kiểm soát hoạt động của Cảng Darwin trong 99 năm. Trong khi đó, công ty Landbridge của tỉ phú Trung Quốc Ye Cheng được cho là có mối liên hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc.
Báo cáo ngày 17.3 của ủy ban quốc hội về tăng trưởng thương mại và đầu tư khuyến nghị chính phủ Úc nên điều tra xem liệu hợp đồng thuê Cảng Darwin có vi phạm Đạo luật Quan hệ Đối ngoại mới được thông qua hồi tháng 12.2020 hay không, theo tờ South China Morning Post.
Đạo luật Quan hệ Đối ngoại cho phép chính phủ liên bang chặn các thỏa thuận quốc tế của các trường đại học, hội đồng thành phố và chính quyền bang vì lý do an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia.
“Có nhiều mối lo ngại nghiêm trọng liên quan đến việc các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và công ty được Bắc Kinh tài trợ hợp tác kinh doanh, sở hữu hoặc thuê cơ sở hạ tầng chiến lược, bao gồm Cảng Darwin. Trước những căng thẳng với Trung Quốc, việc cho phép công ty Trung Quốc hợp tác với các trường đại học Úc, bao gồm cả Viện Khổng Tử, và thuê cơ sở hạ tầng chiến lược là mối đe dọa an ninh quốc gia không thể chấp nhận được”, theo báo cáo.
Ủy ban cũng đã đưa ra các khuyến nghị liên quan đến nhu cầu đầu tư nước ngoài vì lợi ích quốc gia.
Hồi tháng rồi, các nghị sĩ Úc cũng đã kêu gọi chính quyền bang Queensland nên chấm dứt hợp đồng cho một tập đoàn Trung Quốc thuê đảo Keswick vì dự án phát triển một khu nghỉ dưỡng của tập đoàn bị cáo buộc hủy hoại môi trường.
Trước đó, Úc đã chặn hoặc không thông qua nhiều thỏa thuận lớn liên quan đến các công ty Trung Quốc, bao gồm thượng vụ công ty Trung Quốc mua lại công ty sữa, đồ uống Lion Dairy & Drinks (của Nhật Bản, đặt cơ sở ở Úc) với giá 600 triệu AUD hồi tháng 8.2020. Tuy nhiên, một số thương vụ tương tự liên quan đến các công ty Trung Quốc đã được bật đèn xanh.
Mối quan hệ Úc-Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi Canberra hồi tháng 4.2020 yêu cầu tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc vi rút gây Covid-19, cấm tập đoàn Huawei tham gia vào mạng 5G của Úc và tham gia tập trận hải quân chung Malabar với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản sau 13 năm vắng bóng.
Bình luận (0)