Kế hoạch 1,5 tỉ USD cứu sống biển Chết
06/12/2018 07:00 GMT+7
Israel và Jordan đang khẩn trương bảo tồn biển Chết giữa lúc giới khoa học cảnh báo địa danh nổi tiếng này có nguy cơ biến mất trong vài chục năm tới.
Tự động phát
Biển Chết đang dần “teo tóp” do tác động từ thiên nhiên lẫn con người. Nằm giữa Bờ Tây, Israel và Jordan, biển Chết thực chất là một hồ nước mặn với diện tích bề mặt khoảng 605 km2 và độ mặn 34,2%, gấp gần 10 lần đại dương, được cung cấp nước chủ yếu từ sông Jordan và các phụ lưu. Nơi đây được nhắc nhiều trong Kinh thánh và luôn thu hút du khách từ khắp thế giới. Hàm lượng muối cùng khoáng chất cực cao trong nước vừa tốt cho sức khỏe vừa khiến tỷ trọng nước lớn hơn nhiều lần so với tỷ trọng cơ thể người và du khách có thể nổi lềnh bềnh trên mặt nước dù không biết bơi.
[VIDEO] Biển Chết "ngắc ngoải", Israel lo lắng
|
Tuy nhiên, theo Đài Al-Araby, tổng lượng dòng chảy hằng năm của sông Jordan đã giảm từ 1,2 tỉ m3 vào năm 1950 xuống chỉ còn chưa đầy 200 triệu m3 như hiện nay, ảnh hưởng nặng nề đến mực nước biển Chết. Một trong những nguyên nhân là sự khai thác và xây đập của các nước trong khu vực như Israel, Syria... Ngoài ra, lượng mưa giảm mạnh trong những năm gần đây khiến những con sông và mạch nước ngầm ngày càng cạn kiệt. Một nguyên nhân quan trọng khác là hoạt động khai thác, chiết xuất khoáng chất tại biển Chết cũng làm mất đi lượng nước không nhỏ.
Từ đó, giới chuyên gia dự báo biển Chết sẽ biến mất vào năm 2050 hoặc sẽ rút lại chỉ còn là “vũng nước” so với hiện tại. Ít nhất 2 bãi tắm và một khu nghỉ mát của Israel đã phải đóng cửa do nước cạn dần trong khi nhiều vùng nông trại lân cận cũng bị bán hoặc bỏ hoang vì đất đai ngày càng cằn cỗi, theo NBC News. Đặc biệt, những vùng từng nằm dưới nước nay trồi lên trên, khi gặp nước mưa trở nên không ổn định và tạo thành hàng ngàn miệng hố, gây hư hại đường sá, nhà cửa.
Trước nguy cơ này, Israel và Jordan đang đẩy nhanh dự án trị giá 1,5 tỉ USD (34.929 tỉ đồng) nhằm lắp đặt các đường ống dẫn nước từ biển Đỏ ở phía nam đến một nhà máy ở Jordan để khử mặn. Sau đó, 2 nước sẽ chia nhau phần nước ngọt thu được còn nước mặn sẽ đổ vào biển Chết. Dự án này được kỳ vọng giải quyết được nhiều vấn đề gồm tình trạng thiếu nước ngọt trong khu vực, ổn định mực nước tại biển Chết và thúc đẩy hòa bình, hợp tác giữa Israel, Jordan lẫn Palestine.
[VIDEO] Biển hồ Galilee, nơi "Chúa Giêsu đi trên mặt nước", thiếu nước trầm trọng
|
NBC News dẫn lời Giám đốc dự án Nabil Zoubi cho hay Israel và Jordan sẽ chi trả 1/3 kinh phí, phần còn lại do các nhà thầu tư nhân đảm trách. Những cuộc họp nhằm hoàn tất chi tiết kỹ thuật và thiết kế dự kiến được tổ chức trong vài tuần tới và quá trình gọi thầu sẽ diễn ra sau đó. Theo ông Zoubi, trong trường hợp suôn sẻ nhất, công trình có thể bắt đầu vào năm 2021 và hoàn thành sau hơn 3 năm.
Giới hữu trách ước tính dự án sẽ bơm tổng cộng 350 triệu m3 nước mặn/năm vào biển Chết. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng cấn gấp 10 lần con số này mới có thể giúp ổn định mực nước. Ngoài ra còn phải thay đổi cách thức khai thác nguồn nước và khoáng sản ở biển Chết cùng các con sông theo hướng bền vững hơn. “Ý nghĩa tôn giáo, chính trị và lịch sử của địa danh này buộc chúng ta không được lãng phí thời gian. Cứu biển Chết là trách nhiệm của tất cả”, ông Fathi al-Haweimel, một quan chức địa phương của Jordan, kêu gọi.
Bình luận (0)