Kế hoạch hành động của 'Bộ tứ kim cương' trước Trung Quốc

14/03/2021 08:00 GMT+7

Hôm qua 13.3, Nhà Trắng đưa ra tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh “bộ tứ kim cương” với nhiều kế hoạch hành động cụ thể, ví dụ hợp tác sản xuất 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 nhằm hỗ trợ các nước khác.

Trước đó, tối 12.3 (theo giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh “bộ tứ kim cương” diễn ra dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị gồm 5 phần và rõ ràng đã vạch lộ trình ứng phó thách thức của khu vực vốn có sự tác động lớn từ các hành vi của Trung Quốc.
Phần thứ nhất, “bộ tứ” khẳng định cam kết hợp tác 4 nước, thống nhất tầm nhìn chung cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Tuyên bố nêu: “Chúng tôi cố gắng vì một khu vực tự do, cởi mở và hội nhập, lành mạnh được duy trì bởi các giá trị dân chủ, chứ không phải dựa trên sự cưỡng ép”.

Tư lệnh Mỹ lo ngại cán cân quân sự ở châu Á đang dần nghiêng về Trung Quốc

Phần thứ hai, tuyên bố chung cho biết “bộ tứ” cố gắng thúc đẩy trật tự tự do dựa trên quy tắc mở, với nòng cốt là luật pháp quốc tế để nâng cao an ninh và thịnh vượng, đồng thời chống lại các mối đe dọa đối với Indo-Pacific. Trong đó, tuyên bố nêu: “Chúng tôi ủng hộ nhà nước pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau và với nhiều đối tác. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN cũng như Triển vọng ASEAN về Indo-Pacific”.
Phần 3 của tuyên bố chung cho rằng để đạt được mục tiêu trên, “bộ tứ” cần phải giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu. “Hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ ứng phó với các tác động kinh tế và y tế do đại dịch Covid-19 gây ra, phòng chống biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức chung, bao gồm cả trong không gian mạng, công nghệ quan trọng, chống khủng bố, đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai...”, tuyên bố chung nêu.
Biển Đông được đề cập trong phần thứ 4 của tuyên bố chung. Trong phần này, “bộ tứ” thống nhất về các hành động cụ thể như hợp tác mở rộng sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ các nước nhằm góp phần tăng tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng cường các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển các công nghệ then chốt cho tương lai nhằm đảm bảo một Indo-Pacific tự do và rộng mở.

Các cựu tổng thống Mỹ - trừ một người - tham gia quảng cáo kêu gọi tiêm vắc xin ngừa Covid-19

“Tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tuân thủ Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm vấn đề an ninh hàng hải, nhằm đáp ứng các thách thức đối với quy tắc trật tự hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, phần thứ 4 trong tuyên bố chung nêu ra. Một số vấn đề khác cũng được đặt ra trong phần này là tiến tới phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên, giải quyết để sớm ổn định tình hình ở Myanmar đảm bảo tiến trình dân chủ.
Liên quan việc tăng cường sản xuất vắc xin Covid-19, một thông cáo sau đó của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ cùng đóng góp, để phối hợp với Công ty dược Biological E (Ấn Độ) sản xuất 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2022.
Phần thứ 5 là cam kết thúc đẩy các nỗ lực trên, đồng thời thông tin một hội nghị thượng đỉnh với cuộc gặp gỡ trực tiếp của lãnh đạo các nước thuộc “bộ tứ” sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Bước đột phá lớn
PGS Stephen Robert Nagy  (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
Tuyên bố chung của “bộ tứ” là một bước đột phá. Cuối năm 2020, ngoại trưởng của 4 nước thuộc nhóm này đã nhóm họp ở Tokyo (Nhật) nhưng lại không đưa ra tuyên bố chung.
Tuyên bố chung được đưa ra lần này đã nhấn mạnh việc cung cấp hàng hóa công cho khu vực Indo-Pacific, khẳng định vị trí trung tâm của ASEAN, các giá trị phổ quát, Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, sự tự do và rộng mở, cùng tạo nên thế kỷ mới cho Indo-Pacific…
Việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden chuyển hướng, không còn tập trung vào cách tiếp cận cũ là an ninh và ý thức hệ, đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên còn lại trong “bộ tứ”. Điều này thể hiện bằng việc nhóm đã đưa ra tuyên bố chung.
Nếu các thành viên của “bộ tứ” tiếp tục cung cấp hàng hóa công như vắc xin, cơ sở hạ tầng, mạng lưới kết nối… thì nhóm này sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Sắp tới, hành vi của Trung Quốc sẽ tác động đến sự đồng thuận và định hướng của “bộ tứ”. Nếu Bắc Kinh tiếp tục các hành vi gây quan ngại thì các thành viên của “bộ tứ” sẽ mở rộng phạm vi liên kết hơn nữa. Còn nếu như Bắc Kinh hạn chế các hành vi gây quan ngại, thì 4 nước trên sẽ chỉ tập trung vào việc cung cấp hàng hóa công.
PGS Stephen Robert Nagy 
(Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada)
Quyết tâm của “bộ tứ”
TS Rajeswari Pillai Rajagopalan  (chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát ở Ấn Độ)
Hội nghị thượng đỉnh lần này cho thấy sự quyết tâm của “bộ tứ” ngay cả khi có sự thay đổi lãnh đạo ở Mỹ và Nhật. Dù có một số nghi ngại về cam kết của chính quyền Tổng thống Biden đối với “bộ tứ”, thì hội nghị đã giúp trấn an các nghi ngại như vậy và cho thấy Washington đang sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển chung của nhóm.
Về phía Ấn Độ, dù căng thẳng quân sự ở khu vực biên giới với Trung Quốc đã giảm nhiệt đáng kể, thì hội nghị cho thấy New Delhi đã nhận thức căng thẳng với Bắc Kinh là không thể thay đổi. Ấn Độ đang cố gắng hợp tác với các đối tác cùng chí hướng để xây dựng một Indo-Pacific an toàn, an ninh và tuân thủ luật lệ quốc tế.
TS Rajeswari Pillai Rajagopalan 
(chuyên gia tại Quỹ nghiên cứu quan sát ở Ấn Độ)
Nâng cao mức độ hợp tác
GS Yoichiro Sato  (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản)
Hội nghị thượng đỉnh đã nâng cao mức độ hợp tác sau các cuộc họp cấp ngoại trưởng của 4 nước diễn ra hồi cuối năm 2020 và tháng 2 vừa qua. Hội nghị đã giúp tìm kiếm những tầm nhìn chung trong bối cảnh các thành viên vẫn còn chưa thống nhất về mối đe dọa do Bắc Kinh tác động đến từng thành viên, cũng như quan điểm về lợi ích của từng thành viên. Qua đó, nhóm có thể hướng đến một nền tảng “phòng thủ” chung trước các đòn bẩy kinh tế từ Trung Quốc.
Hội nghị cũng là cơ hội để Nhật Bản có được tầm nhìn và vị thế tốt hơn về “chính trị vắc xin”, đóng vai trò lớn hơn trong chiến lược viện trợ vắc xin mà không phải sản xuất vắc xin riêng. Như thế, Tokyo vẫn có thể đối phó lại chính sách “ngoại giao vắc xin” mà Bắc Kinh đang thực hiện khi cung cấp vắc xin cho một số nước Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ Latin... Đối với Thủ tướng Suga, hội nghị lần này cũng có ý nghĩa quan trọng khi đây là hội nghị thượng đỉnh lớn đầu tiên mà ông tham dự kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật.
GS Yoichiro Sato 
(chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản)
Gắn kết ở mức độ cao
GS John Blaxland  (Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc)
“Bộ tứ” đang gắn kết với nhau ở mức độ mà có lẽ chỉ vài năm trước đây khó ai có thể tưởng tượng. Và có lẽ, động lực tạo nên sự gắn kết này đến từ các hành vi của Trung Quốc. Thời gian qua, Trung Quốc đã tìm cách kiểm soát từ vùng biên giới với Ấn Độ cho đến Biển Đông, cũng như các hành động đáng ngờ xung quanh nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19, hay cách thức “ngoại giao Sói Lang”. Qua hội nghị thượng đỉnh lần này, Ấn Độ cũng đóng vai trò lớn hơn trong việc đẩy mạnh sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ các nước.
GS John Blaxland 
(Giám đốc Viện Đông Nam Á - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược, Đại học Quốc gia Úc)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.