Tháng 6.2017, hàng loạt quốc gia Ả Rập bất ngờ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Không chỉ vậy, Ai Cập thông báo đóng cửa biên giới trên bộ, không phận và cảng biển đối với hoạt động vận tải của Qatar, còn Ả Rập Xê Út cùng Bahrain cắt đứt mọi liên hệ đường hàng không và đường biển với nước láng giềng. Khủng hoảng ngoại giao này được cho là tiền đề của kế hoạch xâm chiếm Qatar suýt triển khai trước khi bị hủy bỏ nhờ nỗ lực dàn xếp của Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson. Trang The Intercept dẫn các nguồn thạo tin cho biết kế hoạch chủ yếu được Ả Rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vạch ra. Theo đó, bộ binh Ả Rập Xê Út cùng với sự hỗ trợ của quân đội UAE sẽ tràn qua biên giới Qatar, vượt khoảng 110 km đến chiếm Doha sau khi tránh căn cứ không quân của Mỹ. Đến nay, cả Ả Rập Xê Út và UAE đều từ chối bình luận về thông tin này.
Sau khi khủng hoảng ngoại giao bùng phát, ông Tillerson thực hiện hàng chục cuộc gọi đến Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, các cuộc gọi khi đó được cho là nhằm hòa giải căng thẳng và chưa có thông tin nào hé lộ về việc Ngoại trưởng Mỹ đang cố gắng ngăn chặn cuộc chiến do Riyadh dẫn đầu. Trước khi trở thành ngoại trưởng, ông Tillerson là Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil và có rất nhiều giao dịch với chính phủ Qatar. Theo các nguồn tin, ông Tillerson đã thuyết phục Ngoại trưởng UAE Adel al-Jubeir và ông Mohammed bin Salman, khi đó là phó thái tử Ả Rập Xê Út, rằng việc tấn công Qatar sẽ khiến cuộc chiến leo thang. Song song đó, ông Tillerson hối thúc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis gọi cho người đồng cấp Ả Rập Xê Út để thuyết phục về các nguy cơ. Lý do là căn cứ không quân Al Udeid gần Doha của Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ có khoảng 10.000 binh sĩ đồn trú. Tờ Al Jazeera dẫn lời quan chức tình báo Mỹ không nêu tên cho hay giới tình báo Qatar hoạt động ở Ả Rập Xê Út được cho là đã phát hiện kế hoạch xâm lược từ trước và chính phủ Qatar đã thông báo cho ông Tillerson cũng như Đại sứ quán Mỹ ở Doha. Dưới áp lực của Ngoại trưởng Mỹ, Ả Rập Xê Út quyết định dừng triển khai kế hoạch.
Giới quan sát cho rằng nỗ lực của ông Tillerson nhằm giảm căng thẳng ở vùng Vịnh mâu thuẫn với các tín hiệu đưa ra từ Nhà Trắng và đây có thể là lý do chính khiến ông mất chức vào tháng 3 năm nay. Khi đó, Tổng thống Donald Trump ủng hộ việc cô lập Qatar và viết trên Twitter rằng “có lẽ điều này sẽ khởi đầu cho tiến trình chấm dứt sự kinh hoàng của khủng bố”. Trong khi ông Tillerson kêu gọi các nước dỡ bỏ cấm vận đối với Doha, ông chủ Nhà Trắng tiếp tục chỉ trích Qatar có “lịch sử tài trợ khủng bố ở mức rất cao”. Theo tờ Politico, các trợ lý của ông Tillerson nghi phát biểu của ông Trump được soạn sẵn bởi Đại sứ UAE Yousef Al Otaiba, một nhân vật “luôn liên hệ điện thoại và email thường trực” với Jared Kushner, con rể và là cố vấn của ông Trump khi đó phụ trách đối ngoại với các nước vùng Vịnh.
Giới quan sát cho rằng kế hoạch xâm lược Qatar một phần bắt nguồn từ lý do tài chính. Nền kinh tế Ả Rập Xê Út đối diện nguy cơ suy thoái sau khi chi tiêu hết một phần ba trong số 737 tỉ USD dự trữ ngoại hối để bù lại thâm hụt mậu dịch do xuất khẩu dầu giảm chỉ trong vài năm gần đây. Thậm chí Ả Rập Xê Út phải bán bớt cổ phần trong tập đoàn nhà nước Saudi Aramco. Trong khi đó, việc xâm chiếm Doha sẽ có thể tiếp cận quỹ đầu tư nhà nước trị giá 320 tỉ USD.
|
Bình luận (0)