Khi không quân Mỹ tổ chức tập trận 'hiếm có' ở Biển Đông

14/12/2020 09:00 GMT+7

Việc oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer và chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 tập trận ở Biển Đông mang thông điệp răn đe mạnh mẽ của Mỹ đối với Trung Quốc .

Cuộc tập trận “hiếm có”

Website của không quân Mỹ thông báo ngày 10.12, lực lượng này đã điều động oanh tạc cơ B-1 Lancer xuất kích từ căn cứ Andersen trên đảo Guam bay đến Biển Đông. Tại Biển Đông, oanh tạc cơ B-1 tham gia cuộc tập luyện với 2 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22.
Chỉ huy phi vụ của nhóm chiến đấu cơ F-22 cho biết: “Nhiệm vụ lần này giúp chúng tôi phối hợp với oanh tạc cơ B-1 và một số lực lượng khác của không quân nhằm kiểm tra năng lực cảnh báo và khả năng sẵn sàng của căn cứ Andersen trước các mối đe dọa”. Theo vị chỉ huy, trong hoạt động lần này, F-22 đã được xuất kích khẩn cấp để đánh chặn mối đe dọa trên không. Đại diện không quân Mỹ cho rằng đây là cuộc tập trận “hiếm có”.
Theo thông cáo từ không quân Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) đóng vai trò là mặt trận ưu tiên của Lầu Năm Góc. Qua cuộc tập trận, Washington cam kết với an ninh và ổn định ở Indo-Pacific, không ngừng huấn luyện nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ.
Khi không quân Mỹ tổ chức tập trận “hiếm có” ở Biển Đông

Chiến đấu cơ tàng hình F-22 chuẩn bị xuất kích từ căn cứ Andersen vào ngày 10.12

Từ công - thủ toàn diện

Hồi giữa tháng 11, báo PNC Guam đưa tin không quân Mỹ vừa điều động 7 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-22 đến đảo Guam để hoạt động tại vùng tây Thái Bình Dương.

Châu Âu “thức tỉnh” trước các hành vi của Trung Quốc

Tuần qua, ông Nicolas Chapuis, Đại sứ EU tại Trung Quốc, đã lên tiếng kêu gọi EU và Mỹ cùng phối hợp để đối phó sự cưỡng chế ngoại giao từ Bắc Kinh. Ông cũng kêu gọi Mỹ và EU hợp tác cùng các bên ở Biển Đông.
Rõ ràng, các nước châu Âu đang “thức tỉnh” trước những thách thức nhiều mặt đến từ Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sâu sắc cũng phần nào tác động đến sự thức tỉnh này. Điển hình như việc Bắc Kinh đe dọa thái quá nhằm vào Cộng hòa Czech, sau khi nước này cử chính trị gia cao cấp đến Đài Loan hồi đầu năm nay, đã khiến cho nhiều nước châu Âu đồng lòng lên án Trung Quốc. Các nước EU cũng nhận thấy hành vi ngày càng mạnh tay của Trung Quốc ở khu vực lân cận, bao gồm Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như rộng hơn là Indo-Pacific.
Sự “thức tỉnh” trên ban đầu được thể hiện bởi Pháp, rồi sau đó là Đức, Hà Lan và một số nước khác.
TS Jonathan Berkshire Miller
(Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế, Nhật)
Phân tích về việc điều động F-22 đến đảo Guam khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Việc triển khai chiến đấu cơ F-22 là bước đi tiếp theo trong chuỗi chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Đây là máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình tiên tiến nhất thế giới, được tối ưu hóa khả năng không chiến. Dù giống như nhiều máy bay chiến đấu tàng hình là có khả năng tấn công, nhưng với năng lực vượt trội về không chiến, F-22 được triển khai mang ý nghĩa tập trung vào năng lực phòng thủ”.
Bên cạnh đó, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: “Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tái triển khai lực lượng quân sự nước này từ châu Âu sang khu vực Indo-Pacific. Khi đó, chính sách này gọi là “tái cân bằng”. Đến thời của Tổng thống Donald Trump, Mỹ rút bớt quân đội khỏi châu Âu, Trung Đông và Afghanistan. Gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để khiêu khích các nước láng giềng, nên Mỹ đã đẩy nhanh việc triển khai lực lượng quân sự cho chiến lược trên”.
“F-22 là dòng chiến đấu cơ tàng hình có thể xuyên thủng hàng phòng thủ đối phương và tấn công, nên việc triển khai F-22 đến đảo Guam sẽ tạo áp lực mạnh mẽ nhằm vào đối phương, bởi đối phương rất khó ngờ F-22 bay đến lúc nào”, TS Nagao phân tích thêm.

Đến thông điệp cứng rắn

Trả lời Thanh Niên về cuộc tập trận “hiếm có” ngày 10.12 ở Biển Đông, TS Nagao nhận định cuộc tập trận chỉ ra các thông điệp mà Washington muốn gửi đi.
Thứ nhất, Mỹ có khả năng tấn công bất cứ nơi nào ở Indo-Pacific bằng cách sử dụng oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer. Đây là dòng oanh tạc cơ chiến lược có thể mang theo tên lửa hành trình tầm xa. Phạm vi chiến đấu của B-1 Lancer khoảng 5.500 km và tên lửa được mang theo có tầm bắn hơn 1.000 km. So với máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc, B-1 Lancer hiện đại hơn rất nhiều. Gần đây, Bắc Kinh đã hiện đại hóa H-6 bằng cách trang bị tên lửa mới. Nhưng rõ ràng, nếu so sánh thì B-1 vẫn chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, máy bay ném bom có một nhược điểm là dễ bị tấn công bởi máy bay tiêm kích, nên thường cần được hộ tống. Nếu đi sâu vào khu vực mà đối thủ có thể triển khai quân sự mạnh, thì oanh tạc cơ sẽ an toàn hơn khi được hộ tống bởi các chiến đấu cơ tàng hình như F-22. Chính vì thế, B-1 và F-22 là đội hình hoàn hảo trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Thứ hai, khi các nước khác đang tập trung vào những mối quan tâm khác, Trung Quốc thường xuyên xem đó là thời điểm có “khoảng trống quyền lực” để thực hiện các hành vi nhằm tìm cách mở rộng lãnh thổ, chủ quyền. Do đó, Mỹ cần ngăn chặn việc “khoảng trống quyền lực” được hình thành.
Hiện nay, Mỹ đang có nhiều vấn đề xoay quanh kết quả bầu cử tổng thống, nên Trung Quốc rất dễ lợi dụng tình hình để thực hiện một số hành vi đáng quan ngại. Vì thế, cuộc tập trận của các máy bay B-1 và F-22 ở Biển Đông là để ngăn chặn Trung Quốc “làm càn”.
Thứ ba, Washington muốn nhấn mạnh cam kết với các đồng minh và đối tác về sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ. Cuộc tập trận chung của oanh tạc cơ B-1 với 2 máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình giúp đảm bảo cam kết vừa nói.
Tất cả đều thể hiện một thông điệp răn đe mạnh mẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.