Goldman Sachs cảnh báo chiến tranh thương mại có thể tệ hơn

23/06/2018 13:22 GMT+7

Nỗi lo chiến tranh thương mại khiến chỉ số Dow có đợt giảm lâu nhất trong 15 tháng. Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs mới đây cho rằng các mối lo này sẽ có thể còn tệ hơn nữa.

Theo CNN, Goldman Sachs cho rằng việc sử dụng thuế quan như công cụ đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc ông phải cho các đối tác thương mại của Mỹ thấy rằng ông rất nghiêm túc trong vấn đề thương mại. Nỗ lực thể hiện rằng mình cực kỳ cứng rắn có thể khiến Phố Wall lo sợ.
“Chúng tôi không kỳ vọng rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể thuyết phục các đối tác thương mại rằng những đề xuất này là thật mà không cùng lúc thuyết phục thị trường tài chính”, các nhà kinh tế của Goldman Sachs viết trong lưu ý gửi khách hàng hôm 21.6. Ngân hàng đầu tư cảnh báo rằng “leo thang thêm có khả năng xảy ra” giữa Mỹ và Trung Quốc, dù tiến trình có thể chậm chạp.
Goldman Sachs lưu ý rằng không có cuộc đàm phán thương mại chính thức nào được công bố trước hạn chót ngày 6.7, vốn là ngày áp đặt vòng thuế quan đầu tiên được đề xuất hồi tháng 3. Trong khi các nhà đầu tư có thể cổ vũ chuyện đàm phán, ngân hàng cho rằng chuyện hai bên nhanh chóng đạt thỏa thuận để cải cách chính sách của Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và hậu thuẫn các doanh nghiệp nhà nước là “cực kỳ khó”.
Lo ngại về chương trình nghị sự thương mại của Tổng thống Trump khiến Phố Wall rung chuyển trong tuần này. Hôm 21.6, chỉ số Dow hạ ngày thứ tám liên tiếp, điều chưa từng xảy ra từ tháng 3.2017. Chỉ số bao gồm 30 mã chứng khoán đặc biệt tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp đa quốc gia như Nike, Boeing, các công ty làm ăn đáng kể ở Trung Quốc. Chỉ số Nasdaq được hậu thuẫn bởi cổ phiếu công nghệ như Netflix, Facebook thì chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Đợt đe dọa mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng giống như cả hai bên sẵn sàng bắt đầu một cuộc chiến thương mại. Nỗi lo lúc này là một loạt thuế quan “ăn miếng trả miếng” sẽ làm giảm niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp, làm tổn thương tăng trưởng kinh tế và kéo cao lạm phát.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ cho biết họ sẽ áp thuế 25% lên 50 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Quốc gia Đông Á nhanh chóng cam kết trả đũa, tuyên bố rằng Mỹ vừa “khởi động cuộc chiến thương mại”. Các nhà đầu tư lên tiếng cảnh báo thêm khi ông Trump đe dọa áp thuế quan lên thêm 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh trả đũa các mức thuế quan mới nhất của Mỹ.
Ben Phillips, giám đốc đầu tư của EventShares, công ty quản lý các quỹ ETF theo định hướng chính sách, cho hay: “Hiện tại chúng tôi nghĩ rằng đây chỉ là một viên đạn được bắn ra, không phải một cuộc chiến toàn diện”. Song ông Phillips cho hay nếu thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giá các loại tài sản sẽ giảm.
Goldman cho rằng sự leo thang căng thẳng thương mại sẽ giảm vì thuế quan sẽ mất thời gian để được thực hiện, và ông Trump có thể đối mặt phản ứng dữ dội trước các cử tri và cộng đồng doanh nghiệp. “Các chi phí chính trị sẽ tăng lên với lượng hàng nhập khẩu chịu thuế quan. Cộng đồng nông nghiệp có ảnh hưởng về mặt chính trị”, lưu ý của ngân hàng Mỹ viết.
Một số doanh nghiệp đã cảnh báo rằng căng thẳng thương mại sẽ làm tổn thương lợi nhuận của họ. Đơn cử, hãng Daimler sở hữu Mercedez-Benz cắt giảm dự báo lợi nhuận hôm 21.6 với lý do cuộc chiến thương mại đang nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc. Tin tốt là hiện giờ, Goldman kỳ vọng các tác động kinh tế cơ bản của cuộc chiến thương mại là “tương đối khiêm tốn, ngay cả trong trường hợp nó leo thang”.
Dù vậy, sự thiếu chắc chắn là điểm bất lợi cho nền kinh tế khỏe mạnh. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết các mối lo ngại trong giới doanh nghiệp về tình hình thương mại đang tăng lên. Ông cho hay đây là lần đầu tiên, Fed nghe thấy các quyết định tạm ngừng đầu tư, tuyển dụng và ra quyết định kinh doanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.