'Núi' rác nhựa 111 triệu tấn của thế giới đi đâu khi Trung Quốc không nhận?

22/06/2018 14:18 GMT+7

Rất ít người xem nhựa là loại hàng hóa toàn cầu và có giá trị. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đã và đang nhập khẩu 106 triệu tấn túi, chai lọ, bao bì và container rác thải trị giá 57,6 tỉ USD từ năm 1992.

Vì thế khi Trung Quốc thông báo hồi năm ngoái rằng nước này không muốn đón thêm rác về nhà nữa, chính phủ các nước trên thế giới hiểu rằng họ bắt đầu gặp vấn đề. Họ chỉ không liệu được vấn đề này lớn đến mức nào.
Theo Bloomberg, giờ đây các nước có số liệu để biết vấn đề xử lý rác lớn đến bao nhiêu. Đến năm 2030, ước tính khoảng 11 triệu tấn nhựa đã qua sử dụng sẽ cần được chôn hoặc tái chế ở nơi khác, hoặc không được sản xuất thêm. Đây là kết luận theo phân tích mới từ dữ liệu thương mại toàn cầu Liên Hiệp Quốc do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Georgia (Mỹ) thực hiện.
Chai lọ, túi và bao bì thực phẩm đang gia tăng. Các nhà máy tung ra tổng cộng 8,3 tỉ tấn nhựa mới tính đến năm 2017. 1 triệu tấn rác thải loại này tương đương 621.000 chiếc Tesla Model 3s. Ngay cả 700 triệu chiếc iPhone trên toàn cầu cũng chỉ đạt đến 1/10 của 1 triệu tấn.
Nhập khẩu nhựa thải (tính theo tấn) của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới Ảnh: Bloomberg
Gần 4/5 số nhựa này bị ném vào các bãi chôn lấp hoặc xả ra môi trường. 1/10 trong số đó bị đốt. Hàng triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương mỗi năm, đe dọa các bãi biển và đầu độc môi trường với quy mô lớn tại phía bắc Thái Bình Dương. Chỉ 9% tổng lượng nhựa sản xuất ra được tái chế. Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng số nhựa thế giới thải ra năm 2016, tức khoảng 7,4 triệu tấn.
Khi ngành công nghiệp xử lý rác thải trưởng thành và nhiều ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người trở nên rõ ràng, Trung Quốc chắt lọc hơn về các loại nguyên liệu họ sẵn sàng mua. Luật “Hàng rào xanh” được ban hành năm 2013 loại bỏ các vật liệu được trộn lẫn với thực phẩm, kim loại hoặc các chất gây ô nhiễm khác. Xuất khẩu do đó giảm xuống từ năm 2012, 2013. Xu hướng này tiếp tục cho đến năm ngoái, khi Đại lục cảnh báo rằng việc mua phế liệu nhựa cũng sẽ dừng hẳn.
Nhập khẩu và xuất khẩu nhựa thải hằng năm theo triệu tấn và theo giá trị thương mại từ năm 1988 đến 2017 Ảnh: Bloomberg
Nhiều nước khác như Ấn Độ, Malaysia thu mua nhiều nhựa hơn, dù với mức độ thấp hơn so với Trung Quốc.
Vấn đề nhựa của thế giới chồng chất trong nhiều thập niên. Từ khi sản xuất hàng loạt được tiến hành vào thập niên 1950, sản lượng hằng năm tăng từ khoảng 2 triệu tấn lên 322 triệu tấn năm 2015. Mức sản xuất nhựa hiện tại vượt quá khả năng xử lý nhựa thải có hiệu quả, trong khi đó, nguồn cung được dự báo là chỉ có tăng.
Các nhà nghiên cứu kết luận về chuyện Trung Quốc từ chối nhập nhựa thải trong phân tích: “Nếu không có ý tưởng và chiến lược quản lý mới, mức tái chế hiện thời sẽ không còn được đáp ứng, các mục tiêu tham vọng và khung thời gian cho tăng trưởng tương lai là không thể vượt qua”.
VIDEO: Trung Quốc cấm nhập chất thải, châu Âu ngập trong rác
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.