“Chúng ta đang chứng kiến một Triều Tiên mới mà chúng ta trước đây chưa hình dung được. Thực vậy, các thay đổi ấn tượng đến mức có thể thách thức các quan niệm đang tồn tại dùng làm nền tảng để thiết lập chính sách đối với Triều Tiên”, hãng UPI dẫn báo cáo có tựa đề “Giải mã bí ẩn nền kinh tế Triều Tiên”.
Theo ông Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Triều Tiên đang hướng đến hợp tác với Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực du lịch, nhằm vượt qua các thách thức từ lệnh trừng phạt.
Báo cáo dựa trên các chuyến thăm, hình ảnh vệ tinh và nghiên cứu thực địa tại các khu vực biên giới Trung Quốc – Triều Tiên, mô tả các thay đổi thị trường tại Triều Tiên. Bình Nhưỡng khuyến khích sản xuất nội địa, với các sản phẩm phong phú được trưng bày tại những kỳ hội chợ, bán trong siêu thị và cửa hàng.
|
Bên cạnh đó, hơn 98% người dân sở hữu ti vi và gần 1/4 có điện thoại di động. Xây dựng cũng bùng nổ với nhiều khu dân cư, cơ sở du lịch được truyền thông trong nước công bố.
Hôm 3.12, Chủ tịch Kim cắt băng khánh thành "siêu đô thị mới" Samjiyon gần chân núi Bạch Đầu (Paektu), được xem là “hình mẫu của nền văn minh hiện đại”, với các chung cư mới, khu trượt tuyết và khán đài thể thao.
Tờ Rodong Sinmun ngày 5.12 nhấn mạnh tầm quan trọng của “tinh thần tự chủ cách mạng nhằm có thể tự tồn tại và mở cánh cửa phát triển và thịnh vượng theo cách của mình”.
Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), Triều Tiên vừa hoàn thành dự án đập Phalhyang tại nhà máy điện Orangchon ở vùng đông bắc và là “một sản phẩm của sự tự chủ”.
Bình luận (0)