Lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt

01/11/2020 09:00 GMT+7

Hàng chục triệu người Mỹ bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 vì lo ngại dịch Covid-19 ; nhưng cũng có nhiều cử tri, trong đó có người gốc Việt , đi bầu trực tiếp để đảm bảo lá phiếu của mình được tính.

Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy 54% số cử tri người Mỹ gốc Á bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc bỏ phiếu sớm và số còn lại ưu tiên đi bầu trực tiếp vào cận hoặc đúng ngày bầu cử 3.11. Một số cử tri gốc Việt chọn hình thức bỏ phiếu trực tiếp vì nhiều lý do riêng và mối lo ngại khác nhau, trong đó có cả nỗi lo gian lận phiếu bầu.
Lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt

Ở bang Virginia, cử tri đem theo ghế xếp ngồi chờ đến lượt bỏ phiếu

Ảnh: T.H

Xếp hàng dài vẫn muốn tự tay bỏ phiếu

“Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên chính quyền các bang cho phép cử tri bỏ phiếu trực tiếp từ cuối tháng 10, chứ không chỉ một ngày duy nhất như trước đây. Thậm chí, nhiều bang đã mở cửa các điểm bỏ phiếu từ trước đó”, ông Jason Doan, một cử tri gốc Việt sống ở bang California, nói với Thanh Niên.
Theo Cuộc khảo sát cử tri gốc Á 2020 (AAVS) của tổ chức bảo vệ quyền cho người Mỹ gốc Á (AAJC), ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được ủng hộ nhiều hơn Tổng thống Donald Trump trong tất cả nhóm người gốc Á, ngoại trừ người gốc Việt. Trong số cử tri gốc Việt tham gia khảo sát, 48% ủng hộ ông Trump, cao hơn so với ông Biden (36%), theo AAVS.
Hồi năm 2016, ông Trump đã giành được 32% phiếu bầu của người Mỹ gốc Việt, theo cuộc thăm dò của tổ chức Quỹ Giáo dục và Quốc phòng hợp pháp của người Mỹ gốc Á. Bên cạnh đó, cử tri Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump nhiều hơn các nhóm người gốc Á khác.
Dù không có nghiên cứu nào cho thấy nguy cơ gian lận liên quan đến lá phiếu qua thư, nhưng thông tin trên mạng xã hội lẫn truyền thông về vấn đề này khiến các cử tri gốc Việt tỏ ra lo ngại. Họ sợ rằng lá phiếu của mình sẽ không được kiểm đếm. “Gần đây, báo đài đưa tin về những vụ vứt lá phiếu vào thùng rác và cảnh sát hôm 25.10 bắt giữ nghi phạm đốt thùng phiếu, thiêu rụi hàng chục lá phiếu ở TP.Boston (bang Massachusetts). Đó là lý do tôi chọn đi bỏ phiếu trực tiếp để đảm bảo tiếng nói của mình được lắng nghe”, ông Doan chia sẻ.
Ông Doan cho biết thêm: “Đa số công ty tạo điều kiện cho nhân viên được nghỉ phép để đi bỏ phiếu. Dù phải xếp hàng dài trước điểm bỏ phiếu nhưng tôi vẫn muốn thực hiện quyền công dân của mình một cách trực tiếp”.
Tương tự, cô T.H, một cử tri gốc Việt, cho biết nhiều phòng phiếu ở bang Virginia cũng có cảnh cử tri xếp hàng dài đi bỏ phiếu sớm trực tiếp. Tại TP.Springfield, cô T.H cho biết có mặt khoảng 30 phút trước giờ mở cửa tại điểm bỏ phiếu ở tòa nhà chính quyền hạt Fairfax, nhưng đã có khoảng 120 người xếp hàng trước. Dòng người xếp hàng dài từ bãi đỗ xe đến tận phòng phiếu nhưng đều đeo khẩu trang, giữ trật tự và duy trì khoảng cách để phòng tránh dịch Covid-19.
“Một số cử tri thậm chí mang theo ghế xếp để ngồi đợi đến lượt mình vào phòng phiếu. Tình hình an ninh tại phòng phiếu vẫn bình thường, không có cảnh sát canh gác bên ngoài. Các cử tri vào phòng phiếu sẽ được tình nguyện viên yêu cầu đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách. Tôi phải mất khoảng 3 giờ mới hoàn tất việc bỏ phiếu”, cô T.H nói với Thanh Niên.
Lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt

Một người Việt bỏ phiếu ngay từ trong xe

Ảnh: J.L

Cấm xúi giục gần điểm bỏ phiếu

Tại bang Washington, một cử tri gốc Việt cho hay các phòng phiếu ở đây đều an toàn vì đều lắp đặt camera an ninh và tăng cường lực lượng bảo vệ.
Các điểm bỏ phiếu cũng áp dụng một số quy định hạn chế nhằm đảm bảo tính công bằng trong việc bỏ phiếu. “Chẳng hạn, một số bang có luật cấm hành vi “xúi giục” vì mục đích chính trị trong phạm vi bán kính 45 m tính từ cửa vào điểm bỏ phiếu. Bên cạnh đó, hành vi biểu tình bên ngoài điểm bỏ phiếu nhằm kêu gọi bỏ phiếu cho bất kỳ ứng viên nào cũng bị xem là tội kích động”, anh Quang Minh, một sinh viên ngành báo chí tại Đại học Boston (bang Massachusetts), cho biết.
Chính quyền một số bang có luật cấm chụp ảnh bên trong điểm bỏ phiếu, nhưng luật sửa đổi của bang Florida năm 2019 đưa ra một ngoại lệ, cho phép cử tri chụp ảnh “tự sướng” cùng lá phiếu của mình. “Đối với những người như tôi, chụp ảnh bản thân tại điểm bỏ phiếu là minh chứng cho việc thực hiện quyền công dân”, ông Doan nói.
Ngoài ra, cô N.M (sống ở bang California) cho biết những cử tri gốc Việt cao tuổi thích bỏ phiếu trực tiếp vì họ sẽ được các tình nguyện viên tại phòng phiếu hướng dẫn tận tình chi tiết cách thức bỏ phiếu. “Tôi rất cảm động khi chứng kiến các cụ già thực hiện quyền công dân của mình. Sau khi bỏ phiếu xong, cử tri sẽ được dán sticker lên áo và tặng cây viết với dòng chữ “I voted” (Tôi đã bỏ phiếu)”, du học sinh Diệp Phạm Phương Uyên tại Đại học bang Kansas, nói với Thanh Niên.

Hưởng ứng Tổng thống Trump, người ủng hộ tình nguyện giám sát bỏ phiếu

Đáng chú ý, năm nay cuộc bầu cử chứng kiến nhiều cử tri trẻ gốc Việt tham gia bỏ phiếu. “Chính quyền địa phương cùng nhà trường thường xuyên gửi email khuyến khích và động viên sinh viên đi bầu. Bang Kansas tổ chức bỏ phiếu sớm từ ngày 14.10. Tôi nhận thấy nhiều bạn sinh viên là người Mỹ gốc Việt rất hào hứng cùng nhau đến điểm bỏ phiếu trong khuôn viên trường”, cô Uyên chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.