Lãnh đạo thế giới nói gì trong thời khắc cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Trump?

20/01/2021 20:17 GMT+7

Các lãnh đạo thế giới tuyên bố hoan nghênh sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ vào ngày 20.1, khi Tổng thống tân cử đảng Dân chủ Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức sau bốn năm đầy biến động dưới thời ông Donald Trump.

EU

Các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ sớm có lại một người bạn trong Nhà Trắng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói: “Hãy cùng nhau xây dựng một hiệp ước sáng lập mới vì một châu Âu hùng mạnh hơn, cho một nước Mỹ hùng mạnh hơn và vì một thế giới tốt đẹp hơn”.

EU mong nước Mỹ hậu Tổng thống Trump nắm vai trò lãnh đạo toàn cầu chống Covid-19

Riêng Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier bày tỏ sự nhẹ nhõm khi ông Biden sẽ thay thế ông Trump làm tổng thống Mỹ và gọi đây là "một ngày tốt lành cho nền dân chủ".

NATO

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kỳ vọng sẽ thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời ông Biden. "Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Tổng thống tân cử Biden để tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu vì chúng tôi phải đối mặt nhiều thách thức toàn cầu mà không ai trong chúng tôi có thể giải quyết một mình", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết trên Twitter ngày 19.1.
Trước đó, các quan chức EU cho Reuters biết họ đã quá mệt mỏi vì Tổng thống Trump “khó dự đoán” và mong muốn xây dựng mối quan hệ mới với ông Biden. Dưới thời ông Trump, thương chiến Mỹ-EU bùng nổ và mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh NATO rạn nứt, xuất phát từ việc tăng mức đóng góp quốc phòng chung mà Washington yêu cầu, khiến châu Âu hoài nghi về cam kết an ninh từ Mỹ.

Nga

Ngày 20.1, Điện Kremlin cho biết bất kỳ sự cải thiện trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga sẽ phụ thuộc vào ông Biden khi ông bước vào Nhà Trắng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: nước Nga "muốn tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ”.
Hiện Nga-Mỹ vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng liên quan đến các vấn đề như xung đột ở miền đông Ukraine và Syria cùng các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Bên cạnh đó, hai bên sẽ bước vào cuộc chạy đua để gia hạn thỏa thuận vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt ngay sau khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.

Trung Quốc

Chỉ con vài giờ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Doanh lên án Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là người "nói dối và lừa đảo", nhưng tuyên bố Bắc Kinh sẽ tìm kiếm sự hợp tác với chính phủ ông Biden. “Chúng tôi hy vọng tân chính phủ sẽ làm việc cùng với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn những khác biệt và nỗ lực hợp tác đôi bên cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực hơn”, bà Hoa nói.

Khung cảnh Điện Capitol tại thủ đô Washington D.C trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden

AFP

Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo công bố hàng loạt lệnh cấm vận chống lại Trung Quốc vào những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Ông Pompeo ngày 19.1 tuyên bố chính phủ Tổng thống Trump xác định Trung Quốc "phạm tội ác diệt chủng và chống lại nhân loại", với cáo buộc Bắc Kinh đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc.

Ai sẽ giúp ông Biden ra quyết định về Trung Quốc?

Iran

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã không bỏ lỡ cơ hội để tung hô sự ra đi của ông Trump và kêu gọi chính phủ ông Biden dỡ bỏ các lệnh cấm vận chống lại Tehran. Tân chính phủ cũng đã bày tỏ mong muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt với Iran hồi năm 2015 mà ông Trump đã rút khỏi, nhưng với điều kiện Tehran phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản thỏa thuận.
"Thời đại của bạo chúa đã kết thúc và hôm nay là ngày cuối cùng trong triều đại đáng lo ngại đó. Chúng tôi mong đợi chính phủ ông Biden quay trở lại với luật pháp và các cam kết và cố gắng trong 4 năm tới, nếu họ có thể thì sẽ xóa bỏ những vết nhơ của 4 năm qua", ông Rouhani nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.