Lãnh tụ Libya Gaddafi từng muốn mua bom nguyên tử của Liên Xô

26/01/2021 20:29 GMT+7

Sau hơn 30 năm, Muammar Gaddafi, nhà lãnh đạo Libya vẫn không có được bom nguyên tử. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, nỗi sợ hãi từng khiến ông ta phải chi hàng tỉ USD cho một dự án hạt nhân, không phải là không có cơ sở.

Từ đầu thập niên 1970, nhà độc tài Muammar Gaddafi, tổng thống của Libya đã tìm mọi cách để có được vũ khí hạt nhân. Nhằm đạt được mục tiêu này, Gaddafi đã giao trọng trách cho người đứng đầu Lực lượng vũ trang Libya là Jamahiriya đàm phán với Liên Xô, hứa hẹn sẽ chi trả cho Moscow một khoản tiền khổng lồ để được chuyển giao công nghệ hạt nhân.

Viên đại tá đầy tham vọng

Đại tá Gaddafi đã nỗ lực để trở thành “minh chủ” của các quốc gia Ả Rập và châu Phi, nhưng Libya dân cư thưa thớt, không có "con át chủ bài" nào cho tham vọng này. Vì thế, muốn đạt được mục đích trên, cần phải có trong tay một “quân bài tẩy” đặc biệt, mà trong trường hợp này là bom nguyên tử. Một lý do khác khiến Tripoli quan tâm đến vũ khí hạt nhân là đường lối chính sách "chống chủ nghĩa đế quốc" của chế độ Libya. Vì thường xuyên đưa ra những nhận xét nghiêng về chỉ trích đối với toàn thế giới, Gaddafi đã mạo hiểm tự đặt mình vào vị thế mà bất cứ lúc nào cũng có thể hoàn toàn bị cô lập về chính trị. Thêm vào đó, trong chính sách đối ngoại, Libya tuân thủ đường lối đối đầu cứng rắn với Israel, kẻ thù truyền thống của các nước Ả Rập. Vì vậy, khi nước láng giềng Ai Cập ký hiệp ước hòa bình với nhà nước Do Thái, Gaddafi đã phải đối mặt với viễn cảnh xung đột một mất một còn với Israel. Trong điều kiện đó, bom nguyên tử đối với nhà lãnh đạo Libya dường như là một sự đảm bảo an ninh tuyệt đối.
Từng cố gắng mua vũ khí hạt nhân từ Trung Quốc nhưng vô vọng, "nhà lãnh đạo cách mạng châu Phi" Gaddafi đặt hy vọng vào Liên Xô, quốc gia sẵn sàng chia sẻ công nghệ hạt nhân với các đồng minh. Được biết, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc đã gia nhập câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân trong thập niên 1960.

Đàm phán với Moscow

Các cuộc đàm phán của Gaddafi với Liên Xô kéo dài trong nhiều năm. Ngược lại với những năm 1950, tình hình thế giới đã thay đổi quá nhiều khiến Liên Xô chỉ có thể tin tưởng giao vũ khí hủy diệt hàng loạt cho những đồng minh trung thành nhất về mặt ý thức hệ. Nước Libya rõ ràng không phải là một trong những đối tác đáng tin cậy. Hệ thống cấu trúc xã hội và nhà nước do Muammar Gaddafi tạo ra khác xa với chủ nghĩa Mác-Lênin, nó gợi nhớ nhiều hơn đến các dự án chủ nghĩa cộng sản vô chính phủ của hoàng thân Kropotkin. Ngoài ra, vào năm 1969, Liên Xô đã phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Do đó, Gaddafi đã lên kế hoạch không phải mua vũ khí hạt nhân mà mua những công nghệ quan trọng cần thiết để tạo ra chúng. Vào giữa những năm 1970, ông đã đề nghị Moscow bán cho mình một lò phản ứng nước nặng có khả năng sản xuất plutonium cấp độ vũ khí. Theo một số nguồn tin, nhà độc tài đã sẵn sàng chi 10 tỷ USD cho việc xây dựng một chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín. Năm 1977, Abdel Sallam Jellud, nhân vật thứ hai ở Libya sau Gaddafi, đến thủ đô của Liên Xô để đàm phán.
Theo nhà sử học Elena Geleskul, thỏa thuận hạt nhân với Tripoli đã được các quan chức của Bộ Chế tạo Máy hạng trung Liên Xô (tên gọi ngụy trang của cơ quan phụ trách các vấn đề về năng lượng nguyên tử) và đích thân Phó Thủ tướng Nikolai Tikhonov phê duyệt. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Andrei Gromyko đã phản đối sáng kiến này, vì dường như ông lo ngại rằng sau khi nhận được vũ khí hạt nhân, Gaddafi sẽ tham gia (hoặc tổ chức) những cuộc phiêu lưu quân sự ở Trung Đông.

Sự giúp đỡ của Liên Xô

Nhưng rồi Liên Xô cũng đồng ý hỗ trợ chương trình hạt nhân "hòa bình" của Libya, mặc dù theo các chuyên gia CIA, người Nga treo giá "cắt cổ". “Năm 1977, Liên Xô đồng ý xây dựng, trang bị và đào tạo nhân viên để điều hành một cơ sở nghiên cứu hạt nhân trị giá hàng chục triệu đô la ở Tajur, cách Tripoli 30 km. Việc xây dựng Trung tâm Tajura, bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu nhỏ 5-10 megawatt do Liên Xô xây dựng, bắt đầu vào năm 1977, nhưng các yếu tố chính trị đã khiến cho việc xây dựng bị trì hoãn cho đến cuối năm 1981, một báo cáo của tình báo Mỹ năm 1982 cho biết.

Trung tâm Tajura, bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu nhỏ 5-10 megawatt do Liên Xô xây dựng

globalsecurity

Lò phản ứng nước nhẹ ở Tajura được đưa vào hoạt động năm 1982. Các chuyên gia Liên Xô đảm bảo sự hiện diện thường xuyên của mình tại trung tâm hạt nhân để có thể kiểm soát việc sử dụng uranium. Ngoài ra, Matxcơva kiên quyết yêu cầu Libya phê chuẩn Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, mặc dù đối với Gaddafi việc ký kết chỉ là bình phong.
Một dự án khác của hợp tác Liên Xô-Libya - xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Sirte - đã không thành hiện thực do sự thay đổi chính sách đối ngoại của Liên Xô trong thời kỳ Cải tổ (Perestroika).
Điều đáng chú ý là không phải chỉ có Liên Xô sự hỗ trợ cho chương trình hạt nhân của Libya. Các quốc gia như Pháp, Bỉ, Phần Lan, Argentina và Ấn Độ đã đồng ý hợp tác với Gaddafi. "Cha đẻ của bom nguyên tử Pakistan" Abdul Qadir Khan cũng đã giúp đỡ rất nhiều cho Libya.
Trong hơn 30 năm, Muammar Gaddafi vẫn không có được bom nguyên tử. Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy, nỗi sợ hãi của nhà độc tài Libya, khiến ông ta phải chi hàng tỷ USD cho một dự án hạt nhân, không phải là không có cơ sở. Sau khi chính thức từ chối phát triển vũ khí hạt nhân vào năm 2003, chế độ Gaddafi chỉ tồn tại thêm được 8 năm và rồi cuối cùng bị phiến quân lật đổ với sự hỗ trợ quân sự của các nước NATO.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.