Liên Hiệp Quốc cảnh báo thế giới sẽ nóng chưa từng thấy

08/10/2018 21:03 GMT+7

Nghiên cứu khoa học quy mô lớn vừa công bố cho thấy con người hoàn toàn có thể kiểm soát được biến đổi khí hậu.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc ngày 8.10 cảnh báo nhiệt độ trung bình trên thế giới sẽ tăng thêm 1,50C trong khoảng thời gian từ năm 2030-2052, nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn và thế giới không có biện pháp đối phó mới.
Theo báo cáo được gửi đến Thanh Niên, đây sẽ là căn cứ khoa học cho các nhà hoạch định chính sách có căn cứ rõ ràng để thực thi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận này nhằm giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thêm tối đa 20C vào năm 2030 so với thời tiền công nghiệp, với hy vọng sẽ kiềm chế mức tăng trong phạm vi 1,50C.
Báo cáo dài 400 trang dựa trên 6.000 nghiên cứu khoa học, được IPCC gồm 195 quốc gia thành viên đưa ra cảnh báo để đạt được mục tiêu này đòi hỏi “thay đổi nhanh, quy mô lớn và chưa từng có trong mọi phương diện của xã hội”.
Cụ thể, việc phát thải khí nhà kính phải qua chu kỳ đỉnh điểm để bắt đầu sụt giảm trước năm 2020.
Việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế phải tăng từ 20-70% đến năm 2050. Trong khi đó, tỷ lệ năng lượng từ than cần giảm từ 40% trở lên và chỉ chiếm tỷ lệ một con số.
Ước tính thế giới sẽ cần khoảng 2.400 tỉ USD (56 triệu tỉ đồng) hằng năm để đầu tư vào hệ thống năng lượng, tương đương 2,5% GDP, nhằm đạt mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ.
Theo IPCC, mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nếu xét về mặt kinh tế và kỹ thuật. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào giới lãnh đạo các nước.
Trả lời Thanh Niên, giám đốc chương trình của tổ chức bảo vệ môi trường 350.org (Mỹ) Payal Parekh phân tích rằng báo cáo cho thấy sự cấp bách phải chuyển toàn bộ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
“Việc làm ngơ trước biến đổi khí hậu không còn là một lựa chọn. Khủng hoảng về khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng đến những vùng dễ bị tổn thương nhưng lại ít gây tác động đến biển đổi khí hậu nhất”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.