Ngày 3.2, Trung Quốc thông báo kế hoạch cung cấp 10 triệu liều vắc xin Covid-19 cho các nước đang phát triển thông qua sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu, theo AP. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho hay Trung Quốc hưởng ứng đề nghị từ WHO khi nhiều nước đang phát triển tìm cách đối phó nguy cơ thiếu vắc xin Covid-19 trong tháng 3. Ông Uông không nói Trung Quốc đang cung cấp vắc xin Covid-19 nào cho COVAX hay liệu đó có phải là số lượng vắc xin tặng hay không.
Trung Quốc hiện có hai loại vắc xin Covid-19, một loại do công ty Sinovac chế tạo và một loại của Sinopharm, thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc (CNBG). Hai công ty này đã tuyên bố có thể sản xuất tổng cộng 2 tỉ liều vắc xin Covid-19 trong năm nay, có thể biến vắc xin của họ trở nên thiết yếu trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu, theo The New York Times.
Bị nghi ngờ
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã xuất khẩu số lượng lớn vắc xin Covid-19 của mình, chủ yếu cho các nước đang phát triển. Bắc Kinh đã ký hợp đồng cung cấp hoặc tặng vắc xin Covid-19 với hơn 30 quốc gia, vượt xa số lượng 10 triệu liều cho COVAX. Chỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Sinovac đã ký thỏa thuận bán 50 triệu liều. Bắc Kinh cũng đã hứa tặng 1 triệu liều cho Campuchia và 500.000 liều cho Philippines.
Việc Trung Quốc sẵn sàng cung cấp vắc xin Covid-19 trên toàn cầu được cho là nhằm thể hiện sự hào phóng, sức mạnh khoa học và gia tăng danh tiếng khi nước này tìm cách sửa đổi hình ảnh sau khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên thế giới được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, hồi cuối năm 2019.
Tuy nhiên, nỗ lực trên của Trung Quốc lại gặp phải không ít nghi ngờ và dường như không đạt được mong muốn ở một số nước, theo tờ The New York Times. Tờ báo Mỹ chỉ ra nhiều người vẫn còn nhớ về những vụ bê bối vắc xin ở Trung Quốc và chính quyền của nhiều nước vẫn giận dữ về tình trạng Bắc Kinh thiếu cởi mở về virus gây Covid-19 trong những ngày đầu dịch bệnh bùng phát. Nỗ lực của Bắc Kinh hồi đầu năm ngoái phân phối khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho phương Tây đã bị săm soi giữa lúc có thông tin chất lượng có vấn đề và giới chức Trung Quốc đòi những lời cảm ơn công khai.
“Không có dữ liệu đầy đủ”
Ngoài ra, một cuộc khảo sát gần đây với 19.000 người ở 17 quốc gia và khu vực do công ty nghiên cứu thị trường Anh YouGov tiến hành cho thấy phần lớn trong số đó không tin tưởng vào vắc xin Covid-19 được chế tạo ở Trung Quốc, theo The New York Times.
Trước đó, CNBG từng cho biết vắc xin của Sinopharm đạt hiệu quả ngăn ngừa khoảng 79,34%, nhưng không công bố chi tiết về cách thức thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, chẳng hạn như số lượng người tham gia thử nghiệm, độ tuổi…
Thế giới cũng đã bất ngờ với tiết lộ rằng vắc xin Covid-19 do Sinovac chế tạo có thể không đạt hiệu quả như suy nghĩ trước đó. Lúc đầu, giới chức ở Thổ Nhĩ Kỳ cho hay các cuộc thử nghiệm cho thấy vắc xin này đạt hiệu quả tới 91%. Tỷ lệ này ở Indonesia và Brazil lần lượt là 68% và 78%. Tuy nhiên, đến ngày 12.1, các nhà khoa học ở Brazil cho hay kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin Covid-19 của Sinovac đạt hiệu quả chỉ trên 50% đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
|
Ở Philippines, một số nghị sĩ đã chỉ trích chính phủ về quyết định mua vắc xin Sinovac, theo The New York Times. Trong đó, nghị sĩ đối lập Risa Hontiveros cho rằng chính quyền Tổng thống Duterte “tiếp tục ép buộc người dân chấp nhận vắc xin do Trung Quốc chế tạo trong khi không có sự phê chuẩn dùng khẩn cấp và dữ liệu không thống nhất”.
Ngoài ra, giới chức ở Malaysia và Singapore, cả hai nước đã đặt mua vắc xin Covid-19 từ Sinovac, đều phải trấn an với các công dân rằng họ chỉ phê chuẩn một loại vắc xin khi được chứng minh an toàn và hiệu quả. “Vào lúc này tôi sẽ không nhận tiêm bất kỳ vắc xin nào của Trung Quốc vì không có dữ liệu đầy đủ”, ông Bilahari Kausikan, một cựu quan chức có ảnh hưởng ở Bộ Ngoại giao Singapore, cho hay, theo The New York Times.
Bình luận (0)