Mới đây, ngày 20.12, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt dự thảo ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 48,5 tỉ USD cho năm tài khóa 2020, tăng 1,1% so với mức 47 tỉ USD hồi năm 2019. Như vậy, đây là năm thứ 8 liên tiếp, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, nước Nhật chủ trương gia tăng ngân sách quốc phòng để “nâng cao khả năng phòng vệ và hỗ trợ đồng minh trước những thách thức”.
Triều - Trung thách thức, Nhật Bản trỗi dậy
Không chỉ tăng cường ngân sách quốc phòng, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe còn đề nghị xem xét lại Hiến pháp hiện hành của Nhật. Trong đó, đáng chú ý là điều 9, nêu rõ Tokyo không được phát động chiến tranh, đe dọa sử dụng hoặc dùng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nước này không được tổ chức quân đội hay sở hữu các khí tài vũ trang hạng nặng mà chỉ được phép thường trực một lực lượng vũ trang bảo vệ nội an là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
Tuy nhiên, hiện nay, JSDF phát triển mạnh mẽ nên chính phủ muốn thuyết phục người dân và quốc hội rằng sự tồn tại của JSDF là vô cùng quan trọng, cần giải quyết các rào cản trong hiến pháp.
|
Gần đây, Triều Tiên đã có nhiều động thái được cho là thử nghiệm tên lửa, pháo phản lực “khủng” khiến Nhật Bản phải lo ngại. Trong khi đó, Mỹ lại không có nhiều động thái đủ mạnh để kiềm chế Triều Tiên, nên Nhật Bản muốn “tự lực” hơn nữa.
Mối lo ngại tiếp theo của Nhật Bản là Trung Quốc - một đồng minh truyền thống của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Tokyo và Bắc Kinh nhiều năm qua tranh chấp với nhau về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Không những vậy, Trung Quốc gần đây ngày càng thắt chặt quan hệ với Nga - một quốc gia cũng đang tranh chấp lãnh thổ với Nhật.
Đặc biệt, Trung Quốc còn đang nổi lên như một cường quốc vũ trang với chi tiêu quốc phòng năm 2019 lên đến 177 tỉ USD, chỉ đứng sau Mỹ và gấp 3 lần Nhật Bản.
Đầu tư khí tài “khủng”
Thời gian qua, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã mở rộng phạm vi hiện diện của mình, từ khu vực Biển Đông, Hoa Đông sang đến ngoài khơi quốc gia Đông Phi là Djibouti - nơi Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự từ năm 2017. Hai khu trục hạm lớp Izumo của Nhật Bản cũng sẽ được nâng cấp để mang theo tiêm kích F-35B, thay vì trực thăng như trước, nên được xem như tàu sân bay.
Ngoài ra, trong năm tài khóa 2020, Nhật Bản sẽ mua thêm 9 chiến đấu cơ tàng hình F-35 từ Mỹ, trong đó 6 chiếc có thể cất cánh ngắn và hạ cánh theo phương thẳng đứng. Số chiến đấu cơ này giúp Nhật có thể tăng cường thực lực tác chiến tàu sân bay.
Đồng thời, Nhật cũng sẽ chi hơn 1 tỉ USD để củng cố hệ thống tên lửa đạn đạo, mua một hệ thống tên lửa mới có thể hạ các đầu đạn từ không gian và dành thêm một phần ngân sách để tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore cùng các radar mới...
Bình luận (0)