Theo TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ), không chỉ tại Biển Đông, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để gây nhiều hành vi căng thẳng ở nhiều khu vực khác trong năm 2020.
Tại vùng biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, Bắc Kinh đã điều động binh sĩ xâm nhập vào khu vực được cho là do New Delhi kiểm soát, dẫn đến đụng độ khiến hàng chục sĩ quan và binh sĩ cả hai phía thiệt mạng.
Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự lẫn bán quân sự xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát.
Tại eo biển Đài Loan, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắn chỉ thiên và đâm vào một tàu Đài Loan.
“Tuy nhiên, Trung Quốc chưa hẳn đã chiếm ưu thế khi lợi dụng khủng hoảng do đại dịch Covid-19 để thực hiện các hành vi gây rối”, TS Nagao đánh giá và chỉ ra 3 thực tế sau.
Thứ nhất, những hành vi của Trung Quốc đã khiến nước này bị suy giảm hình ảnh trong hầu hết kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành ở Mỹ, châu Âu và đông bắc Á.
Thứ hai, chính những hành vi của Trung Quốc đã thúc đẩy việc tăng cường hợp tác, hình thành liên minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), điển hình như trong tháng 6.2020 và 9.2020 thì Úc và Nhật Bản đã lần lượt ký kết Thỏa thuận tương hỗ hậu cần với Ấn Độ. Tháng 10.2020, các ngoại trưởng của “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) đã có cuộc họp chung tại Tokyo (Nhật Bản). Tháng 11.2020, tất cả thành viên của “bộ tứ kim cương” đã tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương.
Chính vì hành vi của Trung Quốc, Úc đã quay trở lại tham gia cuộc tập trận Malabar và giúp cho “bộ tứ kim cương” lần đầu có mặt đầy đủ tham gia cuộc tập trận này kể từ sau năm 2007.
Thứ ba, các nước khác lâu nay luôn cố gắng tách bạch các vấn đề kinh tế với quân sự trong chính sách với Trung Quốc, nhằm giữ vững quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc đã rất hung hăng và sử dụng các đòn bẫy kinh tế như các biện pháp trừng phạt. Điều đó khiến cho các nước như Mỹ, Úc, Ấn Độ phải thay đổi biện pháp ứng phó phù hợp hơn.
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng Bắc Kinh sắp tới sẽ phải cân nhắc khi thực hiện các hành vi khiêu khích bởi hai lý do sau.
Thứ nhất, các hành vi khiêu khích dưới thời ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, đã gây phẫn nộ khiến nhiều nước tham gia xây dựng khuôn khổ hợp tác ở Indo-Pacific. Các khuôn khổ hợp tác nhấn mạnh vấn đề về các tuyến hàng hải và một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thậm chí rộng hơn.
Điều đó khiến Bắc Kinh đang lo ngại về việc hình thành một liên minh đối phó với Trung Quốc.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ra đời vào tháng 7.2021, nên Bắc Kinh không muốn khoảnh khắc trọng đại này bị ảnh hưởng. Mỹ và các nước khác có thể trực tiếp truyền thông điệp đến Trung Quốc rằng nếu Bắc Kinh tiếp tục có các hành vi gây hấn thì dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể bị bôi xấu bởi động thái trừng phạt đến từ các nước khác về các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan...
Bình luận (0)