Chỉ mới vài phút sau khi bắt đầu thi môn Toán, Raghav xin đi vệ sinh để gửi hình chụp lén đề thi cho một số điện thoại bí mật mà em được cung cấp vài ngày trước. Chỉ ít phút sau, bài giải được gửi ngay lại.
“Đó không phải là gian lận mà là một giải pháp”, mẹ em là bà Sunita khăng khăng nói. Trước đó, bà đã trả 16.000 rupee (5,6 triệu đồng) để được cung cấp số điện thoại “cứu tinh”.
Theo tờ The Guardian, hàng chục triệu học sinh tham dự kỳ thi trong vài tuần qua để giành giật suất vào đại học ở Ấn Độ, với tỷ lệ chọi vô cùng khắt khe, cao gấp 10 lần các đại học danh giá như Oxford và Cambridge.
Mùa thi cũng là mùa làm ăn của “mafia gian lận” – mạng lưới len lỏi khắp mọi nơi nhằm trục lợi từ những phụ huynh muốn con em mình được vào đại học và tăng cơ hội tìm được việc làm tốt. Điều này càng quan trọng khi hằng năm có đến 17 triệu người đến tuổi lao động, trong khi chỉ có thêm 5,5 triệu việc làm.
Tuần trước, 2 đề thi trung học bị lộ trên mạng khoảng 90 phút trước khi bắt đầu thi khiến 2,8 triệu học sinh ở Delhi và khu vực lân cận sẽ phải thi lại trong tháng này.
Trước đó vào tháng 2, hơn 1.000 học sinh đã bị đuổi học vì gian lận thi cử tại bang Bihar, một trong những bang khó khăn nhất ở Ấn Độ.
Trong một trường hợp khác, một nữ sinh thủ khoa nghệ thuật năm 2016 bị phát hiện đã nhờ một người đàn ông 42 tuổi làm bài. Nữ sinh này bị tước danh hiệu sau khi cô trả lời phỏng vấn trên truyền hình rằng khoa học chính trị là một môn nấu ăn.
Những số điện thoại bí mật
Theo bà Yamini Aiyar, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Ấn Độ cho rằng hàng loạt vụ việc như vậy cho thấy nền giáo dục đang bị băng hoại, đồng thời cho rằng nguyên nhân là do áp lực phải lấy được tấm bằng đại học.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục chú trọng nhiều vào việc xây thêm trường chứ không quan tâm đến những gì xảy ra trong các ngôi trường, bà Aiyar phân tích.
Trở lại trường hợp của Raghav, bà Sunita cho biết giáo viên nói rằng con bà học rất kém nhưng bà không muốn em ở lại lớp.
Gia sư của em này đã đề nghị bà liên hệ với một số điện thoại có thể đưa bài giải. Bà cùng vài gia đình khác cùng liên hệ với số điện thoại này và đã được giúp đỡ gian lận, dù cả người giúp và người được giúp đều không hề biết mặt nhau.
Bà Snigdha Poonam, tác giả của nhiều sách viết về giới trẻ Ấn Độ, cho biết “ngành công nghiệp gian lận” phát triển rất nhanh cùng với sự phát triển công nghệ, và nền kinh tế nước này sắp tới sẽ phụ thuộc vào một thế hệ trẻ dựa vào gian lận.
Trong khi đó, những em cố gắng học lại đối diện với nguy cơ thi rớt và không tìm được việc tốt. “Em lo là những bạn gian lận sẽ làm bài tốt hơn. Em học rất chăm nhưng người ta chỉ quan tâm đến kết quả chứ không phải chuyện gian lận hay không”, một học sinh trung học tên Kaul lo lắng nói.
Bình luận (0)