Đài CCTV vừa phát sóng vụ phóng vệ tinh Bắc Đẩu-3GEO3 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên ở miền tây nam Trung Quốc vào sáng 23.6. Sự kiện này đã bị hoãn hơn 1 tuần vì lý do kỹ thuật không được tiết lộ ở tên lửa đẩy Trường Chinh-3B. Cùng ngày 23.6, Tân Hoa xã đưa tin Bắc Đẩu-3GEO3 đã vào quỹ đạo trái đất, hòa mạng với các vệ tinh còn lại của hệ thống.
Cạnh tranh thị trường với Mỹ
Việc hoàn tất mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu đã biến Trung Quốc thành thế lực có thể thách thức Mỹ ở thị trường cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu với doanh thu cả tỉ USD mỗi năm.
“Tôi cho rằng việc hệ thống Bắc Đẩu-3 được đưa vào hoạt động là một sự kiện lớn, cho phép Trung Quốc duy trì hoạt động độc lập với Mỹ và châu Âu”, theo AFP dẫn lời nhà thiên văn học Jonathan McDowell của Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ). Hiện thế giới đang có các dịch vụ cung cấp định vị toàn cầu của GPS (Mỹ), GLONASS (Nga) và Galileo (EU). Tuy nhiên, giới quan sát đang tập trung theo dõi khả năng cạnh tranh của hệ thống Trung Quốc với “tay chơi” kỳ cựu trên thị trường lâu nay là Mỹ.
Trung Quốc vào đầu thập niên 1990 đã bắt đầu xây dựng hệ thống định vị toàn cầu, nhằm hỗ trợ hoạt động di chuyển của xe cộ, tàu cá và xe tăng quân sự. Giờ đây, với hệ thống khoảng 30 vệ tinh, Bắc Đẩu có thể kết nối với hàng triệu điện thoại di động, cho phép tìm kiếm chính xác vị trí của nhà hàng, trạm xăng, rạp chiếu phim, và dẫn đường cho tên lửa lẫn thiết bị bay không người lái.
Mạng lưới của Trung Quốc đã được đưa vào sử dụng thương mại từ năm 2012 nhưng chỉ giới hạn ở phạm vi châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2018, Bắc Đẩu đã bao phủ phạm vi hoạt động ra toàn cầu.
Độc lập về quân sự
Việc phóng thành công vệ tinh cuối cùng của Bắc Đẩu lên không gian còn mang ý nghĩa to lớn hơn đối với Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự. Với sự hiện diện của mạng lưới Bắc Đẩu hoàn chỉnh, hệ thống quân sự Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục kết nối với vệ tinh trong trường hợp bùng nổ xung đột với Mỹ. “Quân đội Trung Quốc giờ đây đã sở hữu hệ thống cho phép duy trì sự độc lập với GPS của Mỹ”, Đài CNBC dẫn lời ông Andrew Dempster, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu công trình không gian Úc. Lâu nay, phía Trung Quốc lo ngại trong trường hợp Mỹ - Trung nổ ra xung đột, Trung Quốc có thể bị cắt đứt khỏi mạng GPS.
“Ảnh hưởng đáng kể nhất mà nó mang lại là sự độc lập. Trung Quốc đã có hệ thống vệ tinh vững chắc và sẵn sàng hoạt động khi có biến”, Giáo sư Christopher Newman của Đại học Northumbria (Anh) nhận định.
Bên cạnh đó chính quyền Bắc Kinh sẽ tìm cách gia tăng sự ảnh hưởng công nghệ đối với nước ngoài, theo phân tích của giới chuyên gia. Những nước như Pakistan và Thái Lan đang kết nối với mạng Bắc Đẩu để theo dõi lưu lượng tàu ra vào cảng, dẫn đường cho các chiến dịch giải cứu trong trường hợp thiên tai và những dịch vụ khác. Bắc Kinh cũng đang dựa vào dự án “Vành đai, Con đường” để thuyết phục các đối tác khác sử dụng công nghệ định vị của mình để “đoạt” thị phần từ GPS. Thế nhưng, bất chấp tham vọng của Trung Quốc, chuyên gia McDowell không cho rằng Bắc Đẩu đủ sức thay thế GPS trong 10 năm hoặc thậm chí 20 năm tới.
Bình luận (0)