Kể từ khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền vào ngày 1.2 đến nay đã có hơn 1.000 người ở nước này vượt biên đến bang Mizoram của Ấn Độ, theo Reuters dẫn lời nghị sĩ Ấn Độ K. Vanlalvena. Trong số đó có khoảng 280 cảnh sát và trên 20 lính cứu hỏa, theo một cảnh sát ở Mizoram. Một số cảnh sát cho hay họ trốn khỏi Myanmar vì sợ bị ngược đãi sau khi không tuân lệnh của chính quyền quân sự bắn người biểu tình.
"Vấn đề của sự sống và cái chết"
Nhiều cảnh sát cho hay họ sợ bị xử tù nếu bị giới chức Myanmar bắt quả tang vượt biên. “Đó là vấn đề của sự sống và cái chết”, một nhà hoạt động 29 tuổi tên Puia, đang hỗ trợ những người từ Myanmar đến thị trấn Champhai thuộc Mizoram.
Họ bỏ trốn bằng xe hơi, xe gắn máy và đi bộ vượt qua nhiều khu rừng và dãy núi, được hướng dẫn bởi những nhóm do các nhân viên tình nguyện dẫn đầu ở hai bên của biên giới. Một khi qua được lãnh thổ Ấn Độ, những người vượt biên được các nhà hoạt động và người dân địa phương cung cấp thực phẩm và nơi trú ẩn trong những ngôi nhà an toàn, theo Reuters dẫn thông tin từ ít nhất 10 người tham gia mạng lưới hỗ trợ vượt biên.
Những công cụ được các thành viên trong mạng lưới hỗ trợ người vượt biên sử dụng gồm có ứng dụng nhắn tin qua mạng xã hội, điện thoại di động, thẻ SIM từ 2 nước, xe jeep và kiến thức về những tuyến đường buôn lậu dọc Tiau, con sông nằm giữa những ngọn núi chia cắt giữa Ấn Độ và Myanmar.
|
Một người đàn ông quản lý một khâu trọng yếu của mạng lưới hỗ trợ người Myanmar vượt biên trong một thị trấn biên giới ở Mizoram là một giáo viên 60 tuổi.
Ông này, không tiết lộ danh tính, cho hay đã rời khỏi Myanmar giữa lúc chính quyền quân sự trấn áp người biểu tình đòi dân chủ vào năm 1988. Khoảng 3.000 người bị cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ khi đó.
Thầy giáo này cho biết thêm những người vượt biên được kêu gọi hỗ trợ vào ngày 26.2, khi lực lượng an ninh Myanmar ứng phó mạnh tay với những người biểu tình. Ông đã nhận lời kêu gọi hỗ trợ hơn 5 lần/ngày, thông qua điện thoại và Facebook.
“Tôi hỗ trợ họ hết mức có thể. Đôi khi tôi cũng sợ”, thầy giáo chia sẻ. Ông sợ rằng việc ông tham gia mạng lưới hỗ trợ vượt biên có thể khiến ông mất việc tại một trường công ở Mizoram. Tính đến ngày 11.3, khi trả lời phỏng vấn với Reuters, thầy giáo cho hay ông đã hỗ trợ hướng dẫn cho khoảng 80 người ở Mizoram.
Cũng theo thầy giáo nói trên, nhiều người vượt biên được một nhóm cộng đồng ở bang Chin thuộc Myanmar đưa tới gặp ông. Ngoài ra, hai cảnh sát trốn sang Ấn Độ gần đây tiết lộ với Reuters rằng họ cũng được hướng dẫn bởi những nhóm tình nguyện viên ở Myanmar. Bốn cảnh sát khác vượt biên sang Ấn Độ trong tháng này cũng cho hay đã nhận được sự hỗ trợ từ một nhóm cộng đồng ở Myanmar, theo Reuters.
Chi phí cho chuyến vượt biên là từ 29-143 USD/người, tùy thuộc vào khoảng cách từ các địa điểm ở Myanmar đến khu vực biên giới và phần lớn số tiền đó được dùng để trả cho việc di chuyển, như thuê xe hoặc đi taxi chung, theo Reuters dẫn lời hai cảnh sát đã vượt biên.
Một giáo viên khác và nhà hoạt động Puia cho hay các thành viên của mạng lưới ở Mizoram nhận thông báo từ phía Myanmar về thời gian và địa điểm có người vượt qua biên giới. Sau đó, các lãnh đạo cộng đồng ở phía Ấn Độ điều xe đến đón họ.
"Tôi sẽ không trở lại"
Vào ngày 12.3, khoảng 116 người từ Myanmar vượt biên sang Mizoram, theo cảnh sát bang. Không có hàng rào biên giới ở Mizoram nên những người bỏ trốn có thể dễ dàng vượt qua. Đến ngày 15.3, một nhóm khoảng 12 người đến từ Myanmar được đưa đến phòng khách trong nhà của một trưởng làng gần biên giới.
Phần lớn trong số đó cho hay họ là cảnh sát và lính cứu hỏa. Trong đó có một người đàn ông tự xưng là lãnh đạo đội cứu hỏa và chỉ cho biết tên là Khaw đã mô tả một chuyến đi đầy khó khăn bằng xe gắn máy và đi bộ từ bang Chin đến Ấn Độ.
Ông Khaw cho hay ông và những người đi cùng đã phải trốn trong rừng vì sợ bị lực lượng an ninh Myanmar phát hiện và không ngủ trong nhiều ngày. Khaw còn kể rằng ông luôn lo lắng về vợ và 4 đứa con ông để lại phía sau. Tuy nhiên, miễn các cuộc trấn áp người biểu tình của quân đội còn tiếp diễn ở Myanmar, ông Khaw tuyên bố: “Tôi sẽ không trở lại”, theo Reuters.
|
Trong khi đó, tình trạng nhiều người Myanmar vượt biên như trên có thể gây ra thách thức ngoại giao cho New Delhi, vốn có quan hệ gần gũi với Lực lượng vũ trang Myanmar. Tình trạng này cũng đã gây ra một số bất đồng giữa chính quyền liên bang Ấn Độ, không muốn giữ lại những người vượt biên từ Myanmar, và chính quyền bang Mizoram, sẵn sàng hỗ trợ họ.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ và chính quyền bang Mizoram chưa có phản hồi về thông tin vượt biên trên. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã ra chỉ đạo 4 bang có biên giới giáp với Myanmar, trong đó có Mizoram, thắt chặt an ninh, theo Reuters dẫn lời 3 quan chức Ấn Độ.
Thủ hiến Mizoram Zoramthanga đã kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chấp nhận những “người tị nạn chính trị” từ Myanmar. Trong thư gửi cho Thủ tướng Modi ngày 18.3, ông Zoramthanga cảnh báo tình hình ở nước láng giềng Myanmar là một “thảm họa nhân loại” mà Ấn Độ không thể phớt lờ, theo Reuters. Đến ngày 2.4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã có sự lên án mạnh chưa từng có về tình trạng bạo lực đẫm máu ở Myanmar, kêu gọi khôi phục dân chủ và kết thúc bạo lực, theo AFP.
Tính đến nay đã có hơn 550 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính biến ngày 1.2, theo Reuters dẫn số liệu từ Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP, Myanmar). Dữ liệu của AAPP còn cho thấy ít nhất 25% số người tử vong bị bắn ở đầu, làm dấy lên nghi ngờ rằng lực lượng an ninh cố tình bắn chết họ. Trong khi đó, một phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar hôm 23.3 khẳng định có 164 người biểu tình thiệt mạng.
Bình luận (0)