Mặt đối mặt Biden - Putin, ai trên cơ ai?

16/06/2021 18:40 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga hôm nay sẽ là cơ hội để Tổng thống Joe Biden thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm Donald Trump trước một nhân vật đầy kinh nghiệm như Tổng thống Vladimir Putin .

Tối nay 16.6 (theo giờ Việt Nam) tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Biden gặp người đồng cấp Nga Putin, trong cuộc mặt đối mặt đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Đây cũng là sự kiện được trông chờ nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ lần này.

Bước đệm của ông Biden

Trước khi tham dự sự kiện trên, ông Biden đã có được những bước đệm quan trọng với hội nghị thượng đỉnh G7, NATO, bên cạnh những cuộc gặp riêng với lãnh đạo các nước đồng minh tại châu Âu. Ngay từ đầu, ông Biden không giấu tham vọng và mong muốn của mình khi tới châu Âu, đó là đưa nước Mỹ trở lại với trung tâm vũ đài quốc tế, lấy lại lòng tin từ đồng minh sau một nhiệm kỳ đầy biến động của người tiền nhiệm Donald Trump. Thực tế, ông Biden đã tận dụng cơ hội lần này để đưa Mỹ lại vai trò dẫn dắt.

Hai Tổng thống Biden - Putin nói gì trước cuộc gặp đầu tiên?

Trong các cuộc gặp đó, Tổng thống Biden cũng đã tiếp nhận những quan điểm chung của lãnh đạo G7, NATO và các đồng minh về Nga. Theo CNN dẫn các nguồn tin, ông Biden đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin. Tại cuộc gặp Nữ hoàng Alizabeth II, ông cũng hỏi về nhà lãnh đạo Nga. 
Cách làm của ông Biden vừa là sự tham vấn, vừa cho thấy Mỹ muốn tìm tiếng nói chung với đồng minh châu Âu trong quan hệ với Nga, bởi với phương Tây, Nga vẫn là một đối thủ và mối đe dọa lớn. 

Cuộc thử lửa

Ông Biden có rất nhiều kinh nghiệm trên chính trường với hàng chục năm quan tâm đến chính sách đối ngoại. Ông cũng từng gặp ông Putin, nhưng đây là lần đầu tiên hai người giáp mặt với tư cách lãnh đạo cao nhất của đất nước. 
Ông Putin chắc chắn là một nhân vật "xứng tầm" và đáng để thử lửa khi ông Biden muốn đưa nước Mỹ trở lại vai trò dẫn dắt trên thế giới
Thực tế, ông Biden suốt nhiều năm qua luôn dành cho ông Putin cái nhìn đầy hoài nghi và dè chừng. Ông chủ Nhà Trắng không ngại đánh giá ông chủ Điện Kremlin là người nguy hiểm. 

Thượng đỉnh Biden-Putin: cơ hội nào cho đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân?

Không chỉ chuẩn bị kỹ cho cuộc gặp, ông Biden còn chuẩn bị kỹ cả "sự cố". Theo các nguồn thạo tin, việc phía Mỹ từ chối tổ chức họp báo chung sau cuộc gặp dường như nhằm tránh kịch bản hồi năm 2018 tái diễn. Khi đó, Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump đã hoan nghênh phát ngôn của ông Putin liên quan vấn đề can thiệp bầu cử, bác bỏ các dữ liệu do cộng đồng tình báo quốc gia Mỹ đưa ra. Ông Biden rõ ràng không muốn ông Putin có cơ hội "trên cơ" mình trong cuộc chạm trán lần này.

Đột phá hay tay trắng ra về?

Đã có nhiều kỳ vọng được đưa ra trước cuộc gặp thượng đỉnh này. Quan hệ Nga - Mỹ vốn đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây, với quá nhiều bất đồng và nghi kỵ lẫn nhau. Ổn định chiến lược là điều cả hai cùng hướng đến, nhưng Nga hay Mỹ đều không dễ dàng nhượng bộ nhau.
Theo nghị trình được chuẩn bị, có thể rất nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận: an ninh mạng, Afghanistan, Belarus, hạt nhân Iran... Một cuộc gặp kéo dài 4-5 tiếng khó có thể làm thay đổi toàn cục hay mang lại đột phá đáng kể, nhưng giới quan sát vẫn đang hy vọng vào khả năng hai bên tìm được cánh cửa đối thoại để tháo gỡ dần những nút thắt. 

Vì sao sẽ không có họp báo chung sau cuộc gặp thượng đỉnh Biden - Putin?

Bản thân ông Biden và ông Putin chắc chắn cũng không đặt mục tiêu đạt được bước đột phá ấn tượng trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, nếu diễn ra suôn sẻ và hiệu quả, hai bên vẫn có thể thu lại kết quả là tạo tiền đề thiết lập mối quan hệ ổn định chiến lược và dễ đoán hơn. 
Cùng chờ xem cuộc gặp được trông chờ này sẽ mang lại điều gì?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.