Theo chỉ huy Bộ Tư lệnh tác chiến Không quân Mỹ James Holmes, các phi công lái máy bay do thám của Mỹ có sử dụng các hệ thống định vị dự phòng khi thực hiện nhiệm vụ, trong đó có hệ thống của Trung Quốc.
Thế hệ định vị thứ 2 của Trung Quốc là Beidou (Bắc Đẩu) bắt đầu cung cấp dịch vụ toàn cầu vào cuối năm 2018 và giai đoạn 3 với nhiều vệ tinh hơn sẽ hoạt động trong năm nay. Beidou được coi là đối thủ của Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS), hệ thống định vị GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu.
Phát biểu tại một hội nghị ở Washington, tướng Holmes cho biết GPS là lựa chọn đầu tiên của các phi công lái máy bay do thám U-2 Dragon Lady, bên cạnh các hệ thống Beidou, GLONASS và Galileo. Các hệ thống này là lựa chọn thay thế trong trường hợp không có GPS.
“Những anh chàng lái U-2 của tôi bay với chiếc đồng hồ đeo tay có GPS nhưng cũng có Beidou và các hệ thống của Nga, châu Âu. Nếu ai đó gây nhiễu GPS, họ vẫn sẽ có các hệ thống kia”, ông cho biết.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Chu Thần Minh tại Bắc Kinh, Beidou là hệ thống mở nên dễ tương thích nếu cài mạch nhận tín hiệu vào đồng hồ đeo tay.
Không giống GPS được điều hành bởi Không quân Mỹ và đôi khi cung cấp dịch vụ giới hạn cho khách hàng thương mại, Beidou không kiểm soát tín hiệu từ vệ tinh. Ban đầu, Trung Quốc phát triển hệ thống định vị dành riêng cho quân đội nhưng sau đó mở rộng cung cấp trong lĩnh vực thương mại toàn cầu.
Ông Chu cho rằng Bắc Kinh khó có thể nhận diện hoặc theo dõi các mạch dùng Beidou trong đồng hồ của các phi công lái máy bay do thám U-2 của Mỹ.
Bình luận (0)