Vi rút corona mới (2019-nCoV), thuộc chủng corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), bùng phát từ thành phố Vũ Hán và lan rộng đến ít nhất 30 khu vực, tỉnh thành ở Trung Quốc cùng nhiều nước trên thế giới. Tính đến ngày 26.1, số người chết tăng lên 56 người và gần 2.000 trường hợp nhiễm, theo AFP.
1,7 triệu vi rút tiềm ẩn trong động vật hoang dã
SARS có nguồn gốc từ dơi và cầy hương, vốn là món khoái khẩu của người Trung Quốc, chẳng hạn như đặc sản súp dơi nguyên con nổi tiếng ở ổ dịch Vũ Hán.
Dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng giới chức y tế Trung Quốc tin rằng 2019-nCoV xuất phá từ động vật hoang dã, như chuột, dơi cho đến rắn, chó sói và kỳ nhông, được bày bán tại chợ Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán.
“Việc mua bán thịt rừng tràn lan cộng với sự xâm lấn của con người vào môi trường hoang dã ngày gia tăng đưa con người tiếp xúc gần hơn với những loại vi rút chết người”, theo ông Peter Daszak, chủ tịch của EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ toàn cầu chuyên về phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Báo cáo của EcoHealth Alliance ước tính có 1,7 triệu vi rút vẫn chưa được phát hiện trong động vật hoang dã, gần một nửa trong số đó gây hại cho con người.
Ông Daszak cho biết nghiên cứu mới đây của EcoHealth Alliance chỉ ra rằng có khoảng 5 mầm bệnh mới lây nhiễm từ động vật sang con người mỗi năm. "Trong tương lai những đợt dịch bệnh sẽ bùng phát thường xuyên hơn nếu con người tiếp tục tiêu thụ thịt rừng", ông Daszak nói.
Vi rút là một phần trong môi trường tự nhiên và không phải tất cả đều là thứ kinh dị như trong phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cảnh báo nguy cơ vi rút trong động vật “nhảy” vào cơ thể con người ngày càng gia tăng.
Giống như SARS, đã giết chết hàng trăm người ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông năm 2002-2003, vi rút gây bệnh Ebola cũng được tìm thấy trong loài dơi. Trong khi đó, vi rút HIV có nguồn gốc từ loài linh trưởng châu Phi.
Ngày nay, hơn 60 % căn bệnh truyền nhiễm mới xuất phát từ việc con người tiếp xúc động vật, các nhà khoa học cho biết. "Vì sức khỏe cộng đồng lẫn tương lai của động vật hoang dã, chúng ta phải chấm dứt tiêu thụ thịt rừng", bà Diana Bell, chuyên gia về SARS, Ebola tại Đại học East Anglia (Anh), cho biết.
Mua bán thịt rừng sôi nổi bất chấp dịch bệnh lây lan
"17 năm kể từ dịch bệnh SARS, hoạt động mua bán thị rừng vẫn diễn ra sôi nổi ở Trung Quốc”, theo bà Bell. Mầm bệnh có thể nhảy sang người trong quá trình bắt, vận chuyển hoặc giết mổ động vật hoang dã, nhất là khi vệ sinh kém hoặc không sử dụng thiết bị bảo vệ.
Ngày 23.1, chính quyền tỉnh Quảng Đông, trung tâm tiêu thụ thịt động vật quý hiếm, tuyên bố ngay lập tức chấm dứt hoạt động buôn bán động vật hoang dã.
Bất chấp chính phủ tăng cường biện pháp ngăn chặn, những người buôn bán động vật hoang dã hoạt động tinh vi hơn, tìm cách bán trực tiếp cho nhà hàng, theo chuyên gia Bell.
|
Khó chấm dứt thị trường thịt rừng Trung Quốc
Các tổ chức bảo vệ môi trường cho rằng nhu cầu cùng sức mua gia tăng là động lực lớn nhất thúc đẩy thị trường thịt rừng. Người Trung Quốc xem thịt của một số loài động vật quý hiếm là đặc sản, bồi bổ sức khỏe dù không có bằng chứng khoa học nào chứng minh.
Theo truyền thống, chủ nhà giữ thể diện bằng cách thết đãi khách mời hoặc đối tác kinh doanh bằng những món thịt rừng xa xỉ.
|
“Nhiều người mất lòng tin với ngành công nghiệp thực phẩm Trung Quốc sau nhiều bê bối, nên mù quáng nghĩ rằng: hoang dã là tự nhiên, tự nhiên là an toàn", theo nhà sinh vật học họ Dương tại Đại học Vũ Hán.
Khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán lan rộng gần 1 tháng, mãi đến ngày 26.1, chính phủ Trung Quốc mới tuyên bố cấm mua bán động vật hoang dã ở chợ, siêu thị, nhà hàng, kênh thương mại trên phạm vi toàn quốc, có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi hết dịch bệnh.
Bình luận (0)