Mịt mờ hung thủ đánh bom ở Thái Lan

14/08/2016 08:00 GMT+7

Một ngày sau chuỗi đánh bom liên hoàn tại các tỉnh miền nam Thái Lan, nghi phạm vẫn xoay quanh 3 đối tượng: phe chính trị đối lập, quân ly khai miền nam và tổ chức khủng bố.

Trong vòng chưa đến một tuần từ cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới ngày 7.8, Thái Lan đã xảy ra 13 vụ đánh bom và 4 cuộc tấn công đốt phá tại 7 tỉnh miền nam Thái Lan (Trang, Hua Hin, Phuket, Surat Thani, Phangnga, Krabi và Nakhon Si Thammarat) làm 4 người thiệt mạng, 35 người bị thương.
Ngay sau đó, đảng Pheu Thai (phe áo đỏ) đã lên tiếng bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc. Trên Facebook, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra lên án cuộc tấn công hàng loạt vừa qua là vô nhân đạo. “Những kẻ đứng đằng sau không chỉ gây thiệt hại về người mà còn làm mất niềm tin của người dân trong nước”, bà viết.
Chiều 12.8, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã ra thông cáo báo chí bác bỏ khả năng vụ việc liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bộ Công nghệ truyền thông và thông tin Thái Lan (ICT) cho biết các thẻ sim trong những chiếc điện thoại dùng để kích nổ bom có nguồn gốc từ Malaysia, mà Malaysia hiện là nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang đẩy mạnh hoạt động. Vì thế, chưa thể loại trừ việc thủ phạm có liên quan đến khủng bố.
Trong khi đó, Hãng AFP dẫn lời nhà phân tích của Tổ chức Tư vấn an ninh IHS Jane’s Anthony Davis gạt bỏ giả thuyết thủ phạm là đối thủ chính trị của chính quyền và cho biết quân nổi dậy miền nam là nhóm duy nhất có khả năng thực hiện các cuộc tấn công phối hợp như vậy. “Họ có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực có thể mở rộng chiến dịch một cách ấn tượng, vấn đề chỉ là thời gian”, ông nói.
Người bị thương trong vụ nổ tại resort ở Hua Hin được đưa đi cấp cứu Reuters
Nghi vấn động cơ chính trị
Trong cuộc họp với giới chức an ninh ngày 12.8 do Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan chủ trì, vấn đề chính trị là nguyên nhân tình nghi hàng đầu dẫn tới các cuộc tấn công. Ngày 13.8, Cảnh sát trưởng Thái Lan Chakthip Chaijinda cho biết kiểu đánh bom kép trong các vụ đánh bom nói trên tương tự cách hành động của phong trào nổi dậy đòi ly khai ở miền nam Thái Lan. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để xác định lực lượng này là thủ phạm.
Ông Chakthip tin rằng những vụ này liên quan đến cuộc trưng cầu vì các cuộc tấn công diễn ra tại những tỉnh ủng hộ thông qua hiến pháp mới. Dựa trên tiến trình điều tra, ông cho rằng những người bất đồng quan điểm chính trị có thể kết nối với các nhóm nổi dậy ở miền nam Thái Lan để ra tay. “Những người có quan điểm trái chiều có thể làm điều đó để làm xấu hình ảnh của đất nước và làm tổn thương ngành du lịch”, ông nói và thề sẽ triệt tận gốc đường dây này.
Những vụ nổ liên tiếp vừa qua sẽ gây ảnh hưởng đến du lịch Thái Lan Reuters
Trong khi đó, một nguồn tin quân đội ở vùng 4 nhận định với Bangkok Post rằng các vụ tấn công là hành động của những nhóm chính trị liên kết với một cơ sở chính trị miền nam. Họ đã “đặt hàng” để thực hiện các cuộc tấn công vào những khu du lịch nổi tiếng cũng như các khu vực kinh doanh trọng điểm tại miền nam và Bangkok. Cảnh báo này đã được gửi đến các cơ quan an ninh.
Cùng ngày, Phó cảnh sát trưởng Thái Lan Pongsapat Pongcharoen cho biết hình thức đánh bom và cách thức kích nổ đều tương tự. Vì thế, các nhà điều tra tin rằng thủ phạm của các vụ đánh bom chỉ là một nhóm, có người cầm đầu cung cấp chất nổ. “Chúng tôi đã thu thập những mẫu ADN tại hiện trường và kết quả sẽ được gửi cho cơ quan điều tra vào ngày 14.8. Hy vọng sẽ sớm phát được lệnh truy nã. Chúng tôi tin rằng thủ phạm vẫn còn ở Thái Lan”, ông Pongsapat nói.
Về thông tin bắt giữ nghi phạm liên quan đến vụ tấn công, cảnh sát Thái Lan hôm qua chỉ mới xác nhận đang tạm giữ để thẩm vấn ông Prapas Rojanapithak, một nhà hoạt động chính trị 67 tuổi ở tỉnh Trang, vì nghi có liên hệ với vụ đánh bom tại tỉnh Trang ngày 11.8 làm chết 1 người và một số vụ phóng hỏa các khu thương mại tại miền nam.
Ảnh hưởng du lịch
Ngành du lịch chiếm ít nhất 10% nền kinh tế Thái Lan và sau chuỗi đánh bom, nhiều người lo ngại lượng khách du lịch tại miền nam trong năm nay và đầu năm tới sẽ sụt giảm đáng kể. Tờ The Nation dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Trang Prateep Jongthong cho biết ảnh hưởng sau vụ đánh bom rất bất lợi khi 100% khách du lịch hủy tour. “Tác động của vụ nổ bom cho đến mùa du lịch tháng 10 là có thể nhìn thấy được. Vì vậy chính phủ phải mau chóng giải quyết để đem lại sự tin cậy cho du khách”, ông nói. Tuy vậy, ngày 13.8, Bộ trưởng Du lịch Kobkarn Wattanavrangkul khẳng định các vụ đánh bom sẽ không ảnh hưởng đến mục tiêu doanh thu du lịch 69 tỉ USD trong năm 2016 của Thái. “Thái Lan sẽ giải quyết vấn đề nhanh chóng và niềm tin vào du lịch sẽ trở lại”, bà nói với các phóng viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.