Mối nguy quân sự hiện hữu nào từ Trung Quốc đang đe dọa Biển Đông?

27/04/2020 06:56 GMT+7

Mặc dù Trung Quốc gần đây thường phô diễn tàu sân bay, nhưng mối nguy tiềm tàng từ quân sự nước này đối với Biển Đông chủ yếu là chiến đấu cơ từ đất liền, tàu ngầm và tên lửa tầm xa.

Như bài viết Thực hư sức mạnh tàu sân bay Trung QuốcThanh Niên đăng ngày 22.4, cả tàu sân bay Liêu Ninh lẫn Sơn Đông đều đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai máy bay tiêm kích J-15 tác chiến. Nguyên nhân là vì máy bay này quá nặng trong khi tàu sân bay Trung Quốc chưa được trang bị bộ phóng máy bay. Bắc Kinh thực tế vẫn đang tìm kiếm mẫu máy bay tiêm kích phù hợp để tác chiến tàu sân bay.
Từ thực tế trên, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao chỉ ra các mối đe dọa quân sự hiện hữu của Trung Quốc, ở mức độ đáng lo ngại, đối với Biển Đông.

Máy bay chiến đấu từ đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm

Theo các hình ảnh vệ tinh do nhiều đơn vị công bố, điển hình là Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ, Bắc Kinh đã triển khai chiến đấu cơ J-10 và J-11 đến đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tại các bãi đá Xu Bi, Chữ Thập, Vành Khăn (quần đảo Trường Sa) mà Bắc Kinh đang chiếm đóng trái phép thì hạ tầng đều cho phép đồn trú chiến đấu cơ J-11, máy bay trinh sát.

Tăng cường đề phòng

Ảnh: NVCC

Từ tháng 2 năm nay, Trung Quốc có nhiều hành động hung hăng ở các vùng biển trong khu vực, từ biển Hoa Đông đến Biển Đông. Đây là cách mà Bắc Kinh lợi dụng tình hình các nước trên thế giới đang phải tập trung phòng chống dịch bệnh. Những khu vực biển như eo biển Đài Loan hay Biển Đông đều tiềm ẩn rủi ro bùng nổ xung đột do những hành động đáng lo ngại từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, các nước ASEAN cần duy trì sự cảnh giác tối đa, và nhóm tứ giác an ninh Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Úc cần tăng tần suất hiện diện hải quân ở các vùng biển trong khu vực để đề phòng các hành động của Trung Quốc.
Gagandeep Bakhshi (tướng lục quân Ấn Độ đã nghỉ hưu, giảng dạy tại Học viện Quân sự Ấn Độ)
Trong khi đó, máy bay J-10 và J-11 có tầm chiến đấu lần lượt là 1.250 km và 1.500 km, tốc độ tối đa vượt mức gấp đôi tốc độ âm thanh (khoảng 2.500 km/giờ). Còn khoảng cách từ đảo Phú Lâm đến khu vực Trường Sa khoảng 600 km. Như vậy, tầm chiến đấu của các máy bay J-10 và J-11 đều bao phủ từ khu vực Hoàng Sa đến Trường Sa, chỉ mất vài chục phút có thể từ đảo Phú Lâm đến Trường Sa.
Về khả năng tác chiến thì J-10 và J-11 đều là chiến đấu cơ đa nhiệm có thể mang theo nhiều loại tên lửa đối không, tên lửa tấn công tàu chiến và đất liền. Vì thế, J-10 và J-11 là mối nguy quân sự rất lớn hiện nay trên Biển Đông.
Ngoài ra, về mối nguy trên không thì oanh tạc cơ H-6K, từng hiện diện ở đảo Phú Lâm, có tầm tác chiến đến 1.600 km cũng bao phủ cả khu vực Hoàng Sa lẫn Trường Sa.

Tên lửa và tàu ngầm

Chưa kể đến các loại tên lửa đối hạm có tầm bắn hàng ngàn ki lô mét mà Trung Quốc trang bị nhằm thực hiện chiến lược phong tỏa chống tiếp cận nhằm vào Mỹ, thì số tên lửa đối hạm mà Bắc Kinh triển khai ở Hoàng Sa và Trường Sa cũng rất đáng lo ngại.
Theo AMTI thì Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống tàu chiến YJ-12 ở 3 bãi đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập (Trường Sa). Loại tên lửa này có tầm bắn tối đa đến 400 km (tùy phiên bản), tốc độ tối đa lên đến Mach 4 (khoảng 9.000 km) nên có tầm bao phủ phần lớn vùng biển quanh quần đảo Trường Sa. Nếu ở Trường Sa có YJ-12 thì đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) lại có tên lửa YJ-62 tầm bắn từ 290 - 400 km. Vì thế, tên lửa đối hạm của Trung Quốc đang đe dọa phần lớn vùng biển ở khu vực Hoàng Sa lẫn Trường Sa.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang có hơn 50 tàu ngầm bao gồm các loại tấn công nhanh chạy bằng điện - diesel, tàu ngầm hạt nhân… Trong đó, tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn gần đây hiện diện tại Ấn Độ Dương, nên nhiều khả năng cũng đã hiện diện ở Biển Đông. Lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc chính là mối đe dọa từ lòng biển ở khu vực Biển Đông.
Từ những thực tế trên, thì máy bay chiến đấu xuất kích từ đất liền, tên lửa và tàu ngầm, cùng các loại tàu chiến nổi của Trung Quốc trở thành các mối nguy hiện hữu trên Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.