Loài muỗi có năng lực phát hiện mục tiêu (con người) ở khoảng cách hàng chục mét. Trong vòng vài giây, chúng nhanh chóng tiếp cận vùng da trần của đối tượng và hút máu.
Báo cáo mới, đăng trên chuyên san Medical Entomology, bác bỏ quan niệm sai lầm cho rằng muỗi đực thường tránh người. Trên thực tế, muỗi đực vẫn bị con người hấp dẫn, dù không hành động như muỗi cái là hút máu người.
Để rút ra kết luận trên, đội ngũ khoa học gia do tiến sĩ Perran Ross của Đại học Melbourne (Úc) dẫn đầu đã tiến hành thí nghiệm ở loài muỗi vằn Aedes aegypti, hung thủ truyền bệnh sốt xuất huyết cho người.
Họ thả muỗi vằn, cả đực lẫn cái, vào một khu vực và đặt camera ghi nhận chuyển động của chúng. Kết quả cho thấy muỗi đực vẫn lân la đến gần 2 mục tiêu nhưng không đậu lên da để hút máu.
Trong số hai người đóng vai trò là mục tiêu, một người thu hút số lượng muỗi gấp ba người còn lại. Hiện vẫn chưa hiểu rõ sự khác biệt này, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này nhiều khả năng là do hỗn hợp mùi tỏa ra từ da đối tượng.
Vì thế, dù không hút máu, muỗi đực sẽ vẫn vo ve bên tai con người và gây phiền toái không thua gì muỗi cái.
Bình luận (0)