Mỹ lên án hành động hăm dọa ở Biển Đông

20/08/2019 21:02 GMT+7

Nhà Trắng chỉ trích “chiến thuật bắt nạt” ở Biển Đông, trong lúc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

“Tình trạng Trung Quốc gần đây gia tăng hăm dọa các nước khác trong việc phát triển nguồn tài nguyên ở Biển Đông là đáng lo ngại”, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton viết trên Twitter hôm nay 20.8. Ông còn nhấn mạnh: “Mỹ kiên quyết đứng về phía những ai phản đối hành vi ép buộc và chiến thuật bắt nạt đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”.
Ông Bolton đưa ra cáo buộc và lập trường nói trên trong bối cảnh nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

[VIDEO] Tàu sân bay Mỹ diễn tập ở biển Đông

Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, ngày 13.8, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Việt Nam. Bà Hằng cũng một lần nữa nhấn mạnh: Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế".
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel và 4 thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ lần lượt ra tuyên bố lên án hành vi của nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8. "Tôi ủng hộ Việt Nam và các đối tác của chúng tôi trong việc lên án hành động gây hấn này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên các quy định và luật pháp quốc tế. Tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả tàu khỏi vùng biển của các nước láng giềng và chấm dứt những chiến thuật dọa nạt phi pháp”., ông Engel nhấn mạnh.

[VIDEO] Hiện diện Hải quân Mỹ tại Biển Đông là "nhất quán"

Trong thời gian qua, Philippines cũng đã phản đối 2 tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hôm 19.8, Manila còn gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về tình trạng tàu chiến Trung Quốc nhiều lần vào vùng biển Philippines mà không thông báo trước.
Cũng trong hôm nay 20.8, phát ngôn viên Phủ thổng thống Philippines Salvador Panelo thông báo Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 28.8-2.9, theo AFP. Đây sẽ là chuyến công du Trung Quốc lần thứ 5 của Tổng thống Duterte.
Trước đó, Tổng thống Duterte cho hay trong chuyến thăm sắp tới, ông sẽ hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng cùng ASEAN hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và đề cập phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Mặt khác, Tổng thống Duterte khiến dư luận xôn xao khi cho hay ông sẽ thảo luận kế hoạch thăm dò dầu khí chung gây tranh cãi. Theo tờ Manila Bulletin, phát ngôn viên Panelo cho hay nhà lãnh đạo sẽ dùng phán quyết về Biển Đông làm cơ sở để thảo luận kế hoạch hợp tác hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ ăn chia 60 - 40 với Trung Quốc. Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi còn tiết lộ hai bên đang cố gắng lập khuôn khổ thăm dò chung trước cuối tháng 11.
 
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.