Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại hội nghị lần thứ 21 của Liên Hiệp Quốc về chủ đề này tại Paris (Pháp) hồi năm 2015.
Thỏa thuận đặt mục tiêu giảm lượng khí thải nhà kính toàn cầu xuống mức 0 vào năm 2050 hoặc muộn hơn, theo đài NHK. Tổng cộng 187 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào thỏa thuận này.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6.2017 tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vì cho rằng nó không công bằng khi hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4.11 thông báo đã gửi thư cho Liên Hiệp Quốc về việc chính thức rút khỏi thỏa thuận, theo AFP. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau 1 năm, đồng nghĩa Mỹ sẽ chính thức không còn là thành viên của thỏa thuận từ ngày 4.11.2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng một cách thực tế và sẽ chứng minh rằng chính công nghệ và mở cửa thị trường mới dẫn đến sự thịnh vượng, giảm khí thải và đảm bảo nguồn năng lượng chứ không phải vì chịu ràng buộc theo thỏa thuận.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người dành nhiều nỗ lực vận động Tổng thống Trump cam kết với thỏa thuận, đã chỉ trích quyết định của phía Mỹ.
“Chúng tôi rất tiếc về điều này và nó làm cho sự hợp tác Pháp-Trung Quốc về khí hậu và đa dạng sinh học trở nên cần thiết hơn”, ông Macron nói trong chuyến thăm Trung Quốc. Ngày 6.11, Tổng thống Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ ký một cam kết trong đó có điều khoản “không đảo ngược thỏa thuận Paris”.
Bình luận (0)