Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster. Ông là cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử.
Sẵn sàng đáp trả
Cựu đại tá Schuster cho rằng: “Việc Mỹ vừa có văn bản gửi LHQ để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhằm thiết lập sự viện dẫn dựa theo luật pháp quốc tế để sẵn sàng đáp trả các hành động của Bắc Kinh, trong đó có nguy cơ Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông”.
“Thực tế, nhiều khả năng Trung Quốc có kế hoạch thành lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy Bắc Kinh chưa tuyên bố ADIZ ở Biển Đông trong năm nay, nhưng điều này có thể diễn ra vào năm sau. Trung Quốc có thể đang chờ đợi kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và muốn hệ thống tên lửa đối không tại bãi đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa được lắp đặt hoàn thiện. Thực sự, khi tính toán thấy có đủ khả năng xử lý các phản ứng của quốc tế, Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ ở Biển Đông”, ông giải thích thêm.
Ông Schuster cũng cho rằng khi tuyên bố ADIZ, Bắc Kinh sẽ hứa hẹn với cộng đồng quốc tế rằng không can thiệp vào các chuyến bay thương mại bay qua Biển Đông. Thế nhưng, với những gì từng xảy ra, cộng đồng quốc tế khó có thể đặt niềm tin vào những lời hứa của Trung Quốc.
Hiện nay, Tổng thư ký Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) là bà Liễu Phương - một người Trung Quốc. Nên nếu tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, Bắc Kinh đủ sức tạo ảnh hưởng để kiểm soát mức độ phản ứng của ICAO.
Bắc Kinh tuyên bố ADIZ để thống trị châu Á
Từ những yếu tố trên, cựu đại tá Schuster dự báo vào khoảng tháng 2 - 3.2021, Trung Quốc sẽ tiến hành những động thái đầu tiên để tuyên bố ADIZ. “Cụ thể, Bắc Kinh bắt đầu tổ chức một số đơn vị thường trực ở các đảo, bãi đá trên Biển Đông trong quãng thời gian ngắn nhằm kiểm soát ADIZ để đo mức độ phản ứng của cộng đồng quốc tế. Đến giai đoạn mùa hè, khi thời tiết phù hợp cho hoạt động của lực lượng phòng không - không quân, các đơn vị trên sẽ bắt đầu đồn trú thường trực, lâu dài. Khi đó, Trung Quốc tính toán thời gian chính xác để tuyên bố ADIZ nhằm tiến thêm một bước trong chiến lược kiểm soát toàn bộ Biển Đông”, ông Schuster nói.
Ông cũng cho rằng tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Biển Đông, mà còn là một phần trong chiến lược xa hơn về hàng hải: Thống trị châu Á vào năm 2050. Bởi kiểm soát được Biển Đông mang lại cho Trung Quốc khả năng bóp nghẹt tuyến thương mại quan trọng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt, khi đó Trung Quốc có thể mở rộng phạm vi ra chuỗi đảo thứ hai (thường được tính từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem là lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines). Đây cũng là nền tảng quan trọng để phục vụ cho mục tiêu của Bắc Kinh trong việc thống nhất Đài Loan bằng quân sự.
Thêm vào đó, một lý do cho việc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang muốn thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ để phục vụ đối nội bằng cách gây ấn tượng về việc từng bước lấy lại những gì mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền”.
Cần sẵn sàng giải pháp đáp trả Trung Quốc
Từ những thực tế như đã nói, cựu đại tá Schuster cho rằng Mỹ đang sẵn sàng khung pháp lý để đáp trả việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Không dừng lại ở đó, các nước trong khu vực cần có sự thống nhất để gây sức ép với Trung Quốc.
Thậm chí các nước ASEAN có thể cùng phối hợp thực hiện biện pháp pháp lý để chống lại Trung Quốc, mà tuyên bố của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) là một nền tảng.
Để tạo ra sự thống nhất và phối hợp hiệu quả giữa ASEAN với Mỹ thì cần có sự gắn kết nhiều mặt, bao gồm cả hoạt động hợp tác kinh tế. Điển hình như ASEAN có thể kết hợp để đóng vai trò thay thế Trung Quốc trong chuỗi giá trị sản xuất với Mỹ. ASEAN cũng cần công khai vấn đề liên quan tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trước toàn thế giới.
Lợi dụng tình hình để tuyên bố ADIZ
Thời gian qua, bên cạnh việc quân sự hóa các đảo nhân tạo, Trung Quốc cũng đã điều động nhiều lực lượng quấy phá ngư dân, tàu chấp pháp của các nước khác ở Biển Đông. Theo tôi, bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là tuyên bố ADIZ ở Biển Đông.
Vấn đề chỉ là Trung Quốc đang muốn kiểm soát tình hình như thế nào để hạn chế phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Hiện cả thế giới tập trung vào việc xử lý bệnh dịch và Mỹ đang phải đối mặt nhiều thách thức, nên không loại trừ khả năng Trung Quốc lợi dụng tình hình này để tuyên bố ADIZ trên Biển Đông.
PGS-TS Richard Heydarian
(chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines) |
Ấn Độ - Úc tăng cường hợp tác ở Indo-Pacific
Ấn Độ - Úc hôm qua đưa ra tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), ký kết nhiều thỏa thuận trong các lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, theo Reuters. Hai bên nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 4.6 giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison.
Trong thỏa thuận quốc phòng, Ấn Độ - Úc có thể sử dụng căn cứ quân sự của nhau để tăng cường các cuộc tập trận chung.
* Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque ngày 4.6 cho hay Tổng thống nước này Rodrigo Duterte vẫn chưa thay đổi quyết định hủy bỏ Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Roque cho hay việc tạm không hủy VFA nằm trong quá trình chấm dứt thỏa thuận và chưa có quyết định mới từ Tổng thống Duterte khi đề cập vấn đề này.
Hôm 3.6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr chính thức thông báo nước này đã gửi thông báo tạm không hủy VFA cho phía Mỹ.
Phúc Duy - Văn Khoa
|
Bình luận (0)